Từ những ý kiến đang đóng góp vào dự thảo quy định này cho thấy, để ban hành một quy định mới trong CCHC thì mục tiêu cao nhất đặt ra vẫn phải là lợi ích người dân. Đưa ra “một cửa” là tất yếu Với trên 2.500 đơn vị SNCL cùng rất nhiều DN có vốn Nhà nước đang cung cấp sản phẩm, DVC tại TP, hầu hết ý kiến cho rằng, rất cần sớm áp dụng một cửa, MCLT trong cung cấp sản phẩm, DVC. Bà Nguyễn Thị Hường - Trưởng Phòng Tổ chức hành chính trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội nhận định: Với các trường CĐ, ĐH, nếu thực hiện một cửa thì mọi lĩnh vực chuyên môn sẽ có người trực ở bộ phận đó, để tiếp nhận và trả hồ sơ cho cán bộ giáo viên nghỉ hưu, trả kết quả thi, trả lời thắc mắc hoặc giải quyết TTHC thôi học, thi lại… “Trường có rất nhiều đơn vị, nên nếu có một cửa thì sẽ rất phù hợp với xu hướng cải cách TTHC” - bà Hường khẳng định.
Về phía Sở Nội vụ, Phó Chánh Thanh tra Sở Lưu Kiếm Anh cho rằng: Đơn vị SNCL hay DN có vốn Nhà nước có phát sinh DVC, xuất phát từ yêu cầu của người dân thì đều cần thiết đưa ra “một cửa”. Quan trọng nhất là nên “đặt người dân vào trung tâm” của CCHC. Nếu thấy lợi ích mang lại cho người dân lớn hơn, thì tất yếu nên làm. Nhưng, nếu người dân chỉ hưởng lợi rất ít hoặc không lợi gì, mà việc áp dụng đó gây thiệt cho cơ quan Nhà nước thì nên tính toán. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn, với các văn phòng Đăng ký nhà đất, Cảnh sát PCCC… là đơn vị sự nghiệp có nét tương đồng với khối hành chính ở sản phẩm, DVC, có thể áp dụng ngay một cửa, MCLT. Tuy nhiên, với đơn vị SNCL “không có nét tương đồng với khối hành chính ở sản phẩm, DVC”, cũng cần cân nhắc về chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, vì sản phẩm đầu ra rất đa dạng. “Dù vậy, muốn CCHC, nhất thiết phải có “áp lực”, các đơn vị mới quyết tâm làm, nếu chỉ là khuyến khích thì rất khó đạt được mục tiêu” - ông Tuấn nhấn mạnh. Cân nhắc kỹ Đại diện Công ty TNHH MTV Chiếu sáng thiết bị đô thị phản ánh: Một số DN công ích có đối tượng khách hàng là người dân (như DN nước sạch) thì họ ký hợp đồng với người dân; nhưng với DN về chiếu sáng, dù người hưởng lợi cuối cùng là người dân, nhưng trực tiếp khách hàng giao dịch với DN lại là đơn vị Nhà nước, chính quyền. Nên, việc thu thập giải quyết thông tin không liên quan hồ sơ thủ tục thì quy định nên linh hoạt hơn: Phản ánh qua đường dây nóng, qua website hay đến chi nhánh ở quận, huyện để giải quyết các vấn đề liên quan đến chiếu sáng, cây xanh… ở các khu vực đó, giúp người dân không nhất thiết phải đến tận trụ sở Công ty. Với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo quy định này, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết sẽ tính toán chi tiết từ sản phẩm đầu ra của các đơn vị và lĩnh vực hoạt động, để đề xuất một mô hình phù hợp hơn. Trước mắt, sẽ rà soát tổng số cơ quan, đơn vị cần áp dụng cơ chế này, phương thức và loại hình cung cấp DVC, để xem xét bộ phận DVC nào trong từng đơn vị (không phải tất cả) có thể đưa ra giải quyết tại một cửa. Cụ thể, DVC nào liên quan đến quyền lợi thiết yếu của khách hàng, mang tính chất sản phẩm có thể lượng hóa, cụ thể hóa hồ sơ, thời gian giải quyết và quản lý một cách có kiểm soát…, mới có thể đưa ra một cửa. Sở sẽ tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến từ những đơn vị mang tính chất đại diện cho các nhóm đơn vị SNCL và DN có vốn Nhà nước để hoàn thiện dự thảo, trình UBND TP ban hành dự kiến vào cuối năm nay.
Hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải |