Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân Nam Trà My chờ đợi có cây cầu bắc qua sông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lần qua sông mùa mưa lũ, người dân nơi đây dường như phải đánh cược cả mạng sống của mình khi qua sông.

Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có nhiều sông ngòi, do đó vào mùa mưa lũ, giao thông vùng này thường xuyên bị chia cắt. 

Năm 2013, sông Tranh đã cướp đi mạng sống của hai em Hồ Thị Hưng và Hồ Thị Thơ đang học lớp 8 cùng ông Hồ Văn Tiến (49 tuổi) sống tại nốc Tắc Nối xã Trà Tập, huyện Nam Trà My. Cách đó không lâu, một giáo viên tiểu học cũng bị chết đuối khi đi qua nốc Tắc Nối.
Người dân mong muốn có cây cầu qua sông
Người dân mong muốn có cây cầu qua sông
Chị Nguyễn Thị Thu ở xã Trà Tập chia sẻ: “Mỗi lần mà có người bị ốm vào mùa mưa là khổ lắm, bởi đi đường núi thì rất vất vả mà phải đi bộ hết ngày mới đến được trạm y tế. Vượt sông thì rất nguy hiểm, nước lớn mà không có phương tiện đi lại chắc chắn, rất dễ bị nước cuốn trôi. Chúng tôi ở đây, chỉ mong muốn có cây cầu để đi lại".

Được biết vào năm 2014, Bộ GTVT phê duyệt đề án Xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo đó, huyện Nam Trà My có 1 điểm tại thôn 4, xã Trà Tập được phê duyệt xây dựng trong giai đoạn 1 (20/05/2014) và 4 điểm tại thôn 3 xã Trà Don, Nóc Ông Yến tại xã Trà Dơn, thôn 3 và thôn Trà Tập, xã Trà Tập dự định sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2 (8/9/2015). 

Với 5 cây cầu treo được xây dựng, dự án sẽ giải quyết vấn đề đi lại cho hơn 300 hộ dân của huyện Nam Trà My. Song cho đến nay, vẫn chưa có cây cầu treo dân sinh nào tại 5 điểm trên được xây dựng. 

Cầu không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề đi lại của bà con dân tộc mà còn ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề phát triển kinh tế của người dân. Ông Hồ Quang Bửu- chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ mong muốn Bộ GTVT triển khai dự án sớm, đưa công trình sớm đi vào hoạt động giúp bà con thuận tiện đi lại, sinh hoạt và phát triển kinh tế”. 

Ông Nguyễn Đình Tân- Trưởng phòng kKế hoạch huyện Nam Trà My cho biết thêm: “Từ khi khảo sát, huyện đã lo giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, đảm bảo vấn đề đường dẫn và đền bù. Người dân cũng rất ủng hộ và hăng hái phối hợp với mong muốn đưa công trình sớm vào hoạt động. Nhưng đến nay, dự án vẫn bất động, huyện đã đề đạt yêu cầu lên các cơ quan chức năng mà đến giờ vẫn chưa được hồi âm”.