KTĐT - Ao Bút nằm trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân - Hà Nội, thời gian qua, với lý do đây là nơi gây ô nhiễm nên chính quyền địa phương đã tiến hành san lấp ao, biến nơi đây thành nơi tập trung rác, phế thải...
Nhưng nơi tập trung rác lại nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc của 2 phường Nhân Chính và Thanh Xuân Trung, khiến người dân phải sống cùng ô nhiễm...
Ao cổ thành nơi đổ rác
Theo cụ Nguyễn Thị Văn (257 phố Quan Nhân): “Tuổi tôi gần 90, là cán bộ lão thành cách mạng, đã sống nhiều năm ở làng Nhân Chính. Gọi là ao Bút bởi ao có hình dạng giống như chiếc bút. Ao có diện tích hơn 1.000m2.
Trước đây nước ao rất trong, sạch, có cả sen, rất đẹp! Hơn 10 năm về trước, quanh ao được kè đá chắc chắn. Từ khi địa bàn này trở thành một phường của quận Thanh Xuân, cùng với việc nhiều người ở nơi khác chuyển đến sinh sống, tốc độ đô thị hoá ở đây diễn ra rất nhanh chóng, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều người đã ngang nhiên chiếm dụng, san lấp ao Bút kê bàn ghế, bày bán hàng trên mặt bằng của ao đã bị san lấp. Hằng ngày, nước thải, thức ăn thừa, họ đều đổ xuống ao.
Ngoài ra, mặt bằng của ao bị san lấp, có hộ còn tập kết đá, cát để kinh doanh nên ao không có đường tiêu thoát, thêm vào đó hệ thống nước thải của nhiều hộ dân khu vực cũng chảy về khiến nước ao ngày càng ô nhiễm nặng nề.
Năm 2008, UBND quận Thanh Xuân đã tiến hành san lấp ao và lập nên trạm thu gom rác phế thải cùng với điểm trông giữ xe”. Theo tìm hiểu của PV, điểm đổ đất phế thải, rác sinh hoạt tại ao Bút do Hợp tác xã Thành Công (145 đường Hồ Mễ Trì) quản lý, được phép của UBND quận Thanh Xuân.
Sống cách 10m với điểm đổ đất phế thải - hàng ngày hít bụi, ngửi mùi xú uế từ bãi phế thải... trong nhiều năm, ông Nguyễn Hữu Tỵ (241 Quan Nhân) bức xúc: “Trước năm 2008, ao Bút bị lấn chiếm, ao tù nước đọng, nhưng so với hiện tại chúng tôi còn “sướng” hơn nhiều. Bởi, hiện hàng ngày từ sáng tới tối, các đoàn xe thô sơ, xe cải tiến, ôtô, xe xúc hoạt động suốt ngày đêm... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống của cư dân chúng tôi.
Có nhiều ngày, rác thải chất thành đống - cao như quả đồi - khi ngày gió lớn, bụi bay mù mịt, xộc thẳng vào nhà. Ngày mưa, đất cát và chất thải từ bãi tập kết chảy ra đường gây nhớp nhúa, mất vệ sinh. Gia đình tôi làm mọi cách để ngăn bụi như đóng kín cửa sổ, hạn chế ra ngoài, nhưng vẫn không làm sao tránh được bụi rác, mùi hôi...”.
Chính quyền bỏ mặc dân?
Tại tổ dân phố số 7, phường Thanh Xuân Trung người dân còn búc xúc hơn, bởi một số hộ sống cách bãi tập kết chỉ khoảng 1m và được ngăn cách chỉ bằng một tấm tôn mỏng manh, cao hơn 1,5m.
Một người dân cho biết, khi việc lấp ao được tiến hành, có thông tin rằng, địa điểm ao Bút sẽ được xây thành điểm vui chơi cho trẻ em, tập thể dục cho người già... Người dân rất vui mừng và đồng thuận. Nhưng sau khi san lấp, nơi này thành bãi đổ rác ô nhiễm môi trường - gây bức xúc trong dân.
Bà Hoàng Thị Hảo (Tổ trưởng tổ dân phố số 1, khu dân cư Bồ Đề, phường Nhân Chính) cho biết: “Hơn 80 hộ dân với gần 300 nhân khẩu của tổ tôi hàng ngày phải sống trong không khí ô nhiễm bốc ra từ bãi tập kết phế thải. Trong 2 năm vừa qua, mặc dù người dân chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với UBND phường Nhân Chính, UBND quận Thanh Xuân di dời bãi tập kết khỏi khu dân cư - ví dụ là đưa bãi tập kết ra đường Lê Văn Lương, bởi ở đó còn có nhiều khu đất trống, xa khu dân cư, nhưng chưa thấy các cấp chính quyền giải quyết. Do đó, người dân chúng tôi có cảm giác bị bỏ mặc!
Điều đặc biệt nghiêm trọng: Trước đây tuyến đường chạy dọc bãi đổ phế thải và bãi đỗ xe có một rãnh để thoát nước, nhưng hiện đã bị lấp kín - nên mỗi khi trời mưa thì tuyến đường này lại bị ngập, các phương tiện đi lại khó khăn. Khi người dân phản ánh với UBND phường Nhân Chính, thì được trả lời là do không xác định đơn vị thi công nên khó xử lý! Không biết tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội người dân chúng tôi còn phải sống chung với rác nữa không?”.