Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bên cạnh việc chi cho các hoạt động giải trí như xem phim và thưởng thức ẩm thực, người Trung Quốc cũng dành nhiều tiền để mua hàng hóa tiêu dùng công nghệ.
Báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, doanh số của các nhà hàng và trung tâm mua sắm tăng hơn 10%, lên tới 926 tỷ nhân dân tệ, tương đương 146 tỷ USD, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài từ ngày 15 - 21/2 so với dịp tết năm 2017.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài mang về nhiều thành công trong lĩnh vực mua sắm, ăn uống và giải trí của người Trung Quốc. Những mặt hàng tiêu dùng bền như robot quét sàn là mặt hàng mua sắm phổ biến.
Bên cạnh các hình thức truyền thống, mua sắm trực tuyến và thanh toán di động cũng bùng nổ. Có tới 768 triệu người sử dụng ứng dụng thanh toán của WeChat để gửi quà tặng năm mới cho bạn bè và gia đình.
Doanh thu phòng vé ở Trung Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ trong dịp này. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các phòng vé ở Trung Quốc thu về 5 tỷ nhân dân tệ, tăng hơn 60% so với trong năm.
Trong khi đó, du lịch Trung Quốc tăng 12,1% so với năm ngoái, với 386 triệu lượt đi lại trong một tuần. Mặc dù người Trung Quốc có truyền thống về quê trong dịp Tết nhưng đô thị hóa và giă tăng thu nhập trong tầng lớp trung lưu tạo ra một xu hướng mới trong thời gian nghỉ Tết hàng năm là đi du lịch.
Tổng cục Du lịch Trung Quốc cho biết, doanh thu du lịch trong nước tăng 12,6% lên 475 tỷ nhân dân tệ, tương đương 75 tỷ USD. Các nước Đông Nam Á là điểm đến du lịch nước ngoài phổ biến.
Người dân Trung Quốc đã chi 926 tỷ tệ (146 tỷ USD) cho du lịch, nhà hàng và mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. |
Bên cạnh đó, những khu vui chơi như Disneyland Thượng Hải cũng vô cùng sầm uất với khoảng 200.000 du khách mỗi ngày nghỉ Tết.
Ngoài ra, một kỷ lục trong lĩnh vực du lịch là khoảng 6,5 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài trong dịp Tết năm nay. Một chuyến đi Nhật Bản kéo dài 5 ngày thường có chi phí 15.000 nhân dân tệ, bao gồm 7.000 nhân dân tệ tiền vé máy bay.
Dữ liệu chi tiêu nhấn mạnh quá trình chuyển đổi dài hạn của Trung Quốc, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư kiểu cũ và tăng trưởng theo hướng xuất khẩu, sang nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cải thiện tình hình cơ sở vật chất tại nhiều địa phương, thậm chí tại các đô thị hạng 3, hạng 4. Điều này giúp giới trẻ tại Trung Quốc dễ dàng tiếp cận hơn với các hoạt động giải trí và nâng cao mức tiêu dùng trong tương lai.