Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dùng cần, người bán khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, những mô hình sản xuất rau cung cấp cho thị trường trong nước có hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu nhập đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng rau cả nước đến cuối năm 2012 đạt hơn 823.000ha, năng suất 17 tấn/ha, sản lượng khoảng 14 triệu tấn, trong đó diện tích rau miền Nam đạt 466.000ha, năng suất 17,8 tấn/ha, sản lượng 8,3 triệu tấn, diện tích rau miền Bắc ước đạt 357.000ha, năng suất 16 tấn/ha, sản lượng 5,7 triệu tấn.

Cho đến nay, cả nước có gần 16.800ha sản xuất rau theo hướng an toàn, nông dân đã áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn nhưng chưa được chứng nhận. Tình trạng này khiến ngành sản xuất rau còn gặp nhiều khó khăn và việc tìm giải pháp phát triển theo hướng rau an toàn VietGAP là điều mà nhiều người quan tâm.

Còn nhiều vướng mắc

Hiện nay, những mô hình sản xuất rau cung cấp cho thị trường trong nước có hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu nhập đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Có nhiều hợp tác xã sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP như Hợp tác xã Thỏ Việt, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất Phước An, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giòng, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Nhuận Đức (Thành phố Hồ Chí Minh, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Anh Đào, Công ty Cổ phần thực phẩm sạch Núi Xanh (Lâm Đồng)...

Tuy nhiên, sản xuất rau, nhất là rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập như việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất chưa được hỗ trợ giải quyết thỏa đáng, công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích hỗ trợ hoạt động xuất khẩu chưa được quan tâm. Đặc biệt là kết quả phân tích rau an toàn vẫn còn dư lượng nitrate, thuốc trừ sâu và các vi sinh vật gây hại khá cao.

Theo giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Quyền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, việc kiểm tra kiểm soát, đánh giá, phân loại rau sạch và không sạch quá bất cập. Đội ngũ có năng lực và phương tiện kiểm tra nhanh, thuận tiện còn thiếu thốn, thiếu cái tâm nghề nghiệp trong sản xuất và chế tài còn lỏng lẻo. Vì vậy, một mẫu rau tươi được lấy về kiểm tra có khi sau 1 tuần vẫn chưa có kết luận hoặc kết luận thiếu chính xác. Trong khi đó, rau tươi thu hoạch xong cần phải tiêu thụ ngay, nếu để lâu sẽ bị hư hỏng.

Mặt khác, do không có chứng nhận xuất xứ và chất lượng nên không phân biệt được rau sạch và rau không sạch.

Người dùng cần, người bán khó - Ảnh 1
 

(Ảnh minh họa: Minh Đông/TTXVN)
 
 
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Phòng cây lương thực, thực phẩm, Cục Trồng trọt cũng chỉ ra những khó khăn mà người sản xuất rau gặp phải hiện nay như sau khi thu hoạch, người sản xuất rau tự mang đi tiêu thụ tại các chợ, bán cả rau tại ruộng, thương lái chủ động thu hoạch và mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Với hình thức này, người sản xuất bán cho thương lái với giá thấp hơn giá bán lẻ từ 20-30%.

Ngoài ra, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ còn phổ biến. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của số đông người sản xuất về rau an toàn còn chưa cao. Vẫn còn tình trạng số mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrate, kim loại nặng, trong khi chưa có quy định về hàm lượng nitrate trong rau của Bộ Y tế để tham chiếu xử lý.

Không những vậy, nhiều mô hình, nhiều địa phương đã đầu tư kinh phí sản xuất rau an toàn nhưng chưa gắn kết được khâu sản xuất với thị trường tiêu thụ, sự liên kết hợp tác giữa người sản xuất với nhà khoa học, doanh nghiệp, chính sách của nhà nước chưa chặt chẽ, và chưa nâng cao giá trị của sản phẩm rau an toàn. Rau an toàn được tiêu thụ với giá không cao hơn sản phẩm rau thường, người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào rau an toàn.

Hơn nữa, thói quen mua bán tự do của người tiêu dùng còn phổ biến, sản phẩm rau an toàn vẫn được tiêu thụ cùng với các loại rau khác. Quản lý nhà nước chưa giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn và chưa an toàn trên thị trường do rau an toàn chưa được xử lý đầy đủ các khâu sơ chế, đóng gói và in mã vạch theo đúng quy định.

Ông Bùi Văn Hẩu, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nhiều cơ sở thu mua rau an toàn chưa trung thực với người tiêu dùng. Ban đầu, những doanh nghiệp này ký hợp đồng thu mua rau an toàn với số lượng lớn, kèm theo với giấy chứng nhận rau an toàn của hợp tác xã. Nhưng vài tháng sau, số lượng thu mua rau của những cơ sở này giảm dần, rồi chấm dứt hợp đồng, nhưng những cơ sở này vẫn lấy chứng nhận của hợp tác xã để chứng minh rau của cơ sở cung cấp là rau an toàn.

Giải pháp phát triển

Với những khó khăn đó, việc tìm giải pháp để tạo điều kiện cho rau an toàn phát triển là vấn đề quan trọng hiện nay nhằm trả về chất lượng thực sự cho rau an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà sản xuất và nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, giải pháp giúp phát triển ngành rau an toàn trước hết phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện luật an toàn thực phẩm, phân công quản lý giữa các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giữa Trung ương và địa phương theo hướng cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo, bỏ sót. Thêm vào đó, cần quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn tập trung và ổn định, đảm bảo đủ sản lượng rau cung cấp cho nhu cầu của thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chi phí phân tích mẫu và chi phí chứng nhận VietGAP và chi phí xúc tiến thương mại cho nông dân trồng rau.

Bên cạnh đó, việc chọn giống rau năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, phẩm chất tốt cũng là khâu quan trọng nâng cao chất lượng rau an toàn hiện nay.

Theo tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, để rau an toàn đạt chất lượng, người trồng rau phải được nâng cao hiểu biết về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng rau, nông dân biết cách ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thế hệ mới vào sản xuất, nắm rõ thời gian cách ly ngắn đối với sản phẩm khi thu hoạch để đảm bảo chất lượng nông sản.

Giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Quyền cho rằng muốn cho cây rau đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn thì cần cung cấp một số lượng phân hữu cơ thỏa mãn cho rau kết hợp với một lượng phân khoáng hợp lý./.