Lẽ ra là “của độc”
Nhìn những tác phẩm của họa sĩ Phùng Dzi Thuần, người am hiểu về mỹ thuật Việt lại nhớ tới bức bình phong 6 tấm mang tên "Bờ ao" của họa sĩ Trần Quang Trân, tác phẩm "Phong cảnh Bắc Kỳ" của Lê Phổ… Đây là những tác phẩm sơn mài lẫy lừng của nền hội họa Việt, mà trên thế giới ít có tác phẩm nào bì kịp về độ độc đáo và hoàn chỉnh. Chỉ tiếc là sau những tác phẩm ấy, thế hệ cầm cọ sau này đã không thể duy trì và phát huy vẻ đẹp của chất liệu khó tính ấy để ghi dấu ấn cho thương hiệu sơn mài Việt, có lẽ bởi theo đuổi nghệ thuật vẽ sơn ta quá cầu kỳ và cực nhọc. Dù sơn ta có nhiều lợi thế về độ kết dính, đàn hồi, bền, không thấm nước,… nhưng lại rất "khó tính" với người cầm cọ nếu như chưa "trị" được sơn. Họa sĩ Phùng Dzi Thuần chia sẻ, sơn ta rất dễ gây dị ứng cho người sử dụng, bản thân ông cũng đã 5 lần bị "sơn ăn" đến độ toan bỏ cuộc. Cho đến khi được một nghệ nhân "truyền" cho bài thuốc "trị" sơn là bỏ chút sơn vào quả chuối và nuốt, mới hết. Sau giai đoạn "trị" sơn, họa sĩ còn phải "hiểu" sơn thì tác phẩm mới nên hình. Phải nói rằng, thế hệ họa sĩ đầu tiên của Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Phạm Hậu, Trần Quang Trân, Trần Văn Cẩn… đã mất nhiều công sức và cả sự đam mê để nắm được chữ "hiểu" này. Để thế hệ tiếp sau như họa sĩ Phùng Dzi Thuần tâm đắc với đặc tính "ngược": Muốn lớp sơn vừa vẽ khô, phải ủ tranh trong tủ kín gió, có độ ẩm cao; sơn khô rồi phải mài mòn sơn đi mới thấy hình. Cái khó nhất là người cầm cọ phải ước lượng cả thời gian, độ bay màu của sơn để có được màu tươi như dự định. Thế nên, không thể tính được thời gian bao lâu thì bức tranh vẽ bằng sơn ta mới xong, bởi còn phụ thuộc vào chuyện sẽ thành công hay thất bại của sắc màu và cảm hứng của người vẽ…
Họa sĩ Phừng Dzi Thuần tại triển lãm. Ảnh: Hồ Hạ
Các thế hệ cầm cọ đi sau có lẽ không đủ kiên nhẫn trước sự cầu kỳ và "không biết trước" này để nuôi chất liệu sơn mài truyền thống. Và thay vào loại sơn được lấy từ nhựa cây sơn trồng chủ yếu ở vùng trung du Bắc Việt Nam, họ dùng sơn công nghiệp, pha màu như thế nào khi vẽ lên y nguyên như vậy.
Những trăn trở
Gắn bó với chất liệu sơn ta từ khi mới 15 tuổi, đến nay họa sĩ Phùng Dzi Thuần vẫn mải miết nuôi niềm đam mê vẽ tranh sơn ta giữa thời buổi họa sĩ "sống gấp" bây giờ. Dù đã ở tuổi 77, nhưng ông luôn trăn trở về nghệ thuật vẽ sơn ta: "Sơn mài sơn ta truyền thống là một vốn tinh hoa của dân tộc, nhưng vào thời buổi kinh tế thị trường này, khi mọi thứ phải sống gấp, chúng ta đang dần đánh mất nó". Nhiều họa sĩ Việt
Hội họa nước ta từng có ít nhất 15 tên tuổi lớn "vang danh thế giới" với những tác phẩm tuyệt đẹp sử dụng chất liệu sơn ta, lại có sẵn cả một "kho" kinh nghiệm về nghệ thuật vẽ sơn mài truyền thống. Nhưng rõ là thế hệ sau này không tạo thêm được dấu ấn gì. Không chỉ họa sỹ Phùng Dzi Thuần, mà nhiều người cho rằng, đó là hệ quả của một thời gian dài thị trường mỹ thuật bị thao túng bởi những người kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận mà thiếu cái tâm.