Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người khơi mở nguồn minh triết Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những năm cuối đời, GS.TS Hoàng Ngọc Hiến đã dịch rất nhiều cuốn sách uyên thâm, làm công việc của người khai sáng. GS Hoàng Ngọc Hiến đã để lại cho đời những tác phẩm chính: Maiacopxki, con người - cuộc đời & thơ...

KTĐT - Những năm cuối đời, GS.TS Hoàng Ngọc Hiến đã dịch rất nhiều cuốn sách uyên thâm, làm công việc của người khai sáng. GS Hoàng Ngọc Hiến đã để lại cho đời những tác phẩm chính: Maiacopxki, con người - cuộc đời & thơ; Maiacopxki (hài kịch); Văn học Xô-viết đương đại; Văn học - học văn; Văn học - gần & xa...

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến vừa qua đời tối 24/1 tại Hà Nội. Trong ký ức nhiều người, ông không chỉ khác người ở nhãn quan văn học và sự uyên bác, mà khác người cả trong đời sống thường nhật, như hồi tưởng dưới đây của nhà văn - nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải.

GS Hoàng Ngọc Hiến sinh năm 1930 ở Nam Định trong một gia đình nho học và Tây học. Năm 1959, ông bảo vệ luận án tiến sĩ văn chương chuyên ngành lý luận phê bình tại đại học Tổng hợp Matxcơva - Liên Xô. Từ đó, ông trở thành nhà lý luận hàng đầu về mỹ học và văn học Việt Nam. Ông có một năng lực thiên phú phát hiện ra cái mới, cổ vũ cho cái vượt ngoài mọi khuôn mẫu, giáo điều trong sáng tác văn học. Ông nhận diện và gọi đúng tên đặc điểm bất cập của văn học Việt Nam một thời là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Nhiều năm sau nhận định này của Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu mới viết “Lời ai điếu cho một nền văn học minh hoạ”. Với nhãn quan đó, ông từng phê phán những bất cập trong hệ thống lý luận văn học của Zdannov từng ảnh hưởng lớn trong văn học Nga, Trung Quốc và nhiều nước giữa thế kỷ trước. Ông đồng điệu và chia sẻ với Vznhexenxki - một nhà thơ phá cách về tư tưởng lẫn nghệ thuật của Nga. Ông nhiệt thành cổ xúy cho sự đổi mới trong văn học Việt Nam. Ông là người phát hiện, hết mực đề cao những tài năng văn học như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài…

Những năm cuối đời, GS.TS Hoàng Ngọc Hiến đã dịch rất nhiều cuốn sách uyên thâm, làm công việc của người khai sáng. GS Hoàng Ngọc Hiến đã để lại cho đời những tác phẩm chính: Maiacopxki, con người - cuộc đời & thơ; Maiacopxki (hài kịch); Văn học Xô-viết đương đại; Văn học - học văn; Văn học - gần & xa...

Hình ảnh học giả này đến với tôi khá kỳ quặc, cách nay gần 40 năm. Một ông xách cặp dày cộp bước vào hiệu sách nhỏ gần chợ Hôm trong thời bao cấp đói khổ. Chị Tố Nga chung cơ quan báo Phụ Nữ ra hiệu cho tôi chạy vào ngõ nhỏ gần đấy. Rồi chị bê cái xe đạp phượng hoàng của ông kia chạy vào ngõ bảo tôi: “Mày đứng giữ, để tao trị lão này. Cả đời “nó” không bao giờ chịu khóa xe”.

Tôi luống cuống chứng kiến cảnh anh Hiến ngơ ngác tìm xe trong tiếng rầy la của chị Tố Nga, mãi sau mới biết anh Hiến là chồng chị, người chồng đãng trí bác học mà chị phải chăm sóc từng tí. 

Phải viết “xâm phạm đời tư” hé lộ một chút về gia đình khá đặc biệt, giàu hài hước này mới rõ chân dung GS Hiến. Vi tính anh tự học lấy. Anh hướng dẫn một số sách tự học, đọc các tác phẩm tiếng Anh, các loại từ điển. Anh có nhiều năm chăm đi làm việc ở thư viện. Ở đó anh được trang trọng dành riêng một bàn đến đọc sách. Cứ mỗi lần gặp anh lại: "Cho toa một vài cuốn sách”.

Có lúc vị giáo sư này “ngộ” ra những điều rất đơn giản, nghe vừa buồn cười vừa xót xa, như phương thức “mỡ nó rán nó”: bán bớt phần đất để lấy tiền xây nhà. Nhiều năm vị giáo sư này ở cái “chuồng cu” gian nhà phụ phía sau rộng hơn chục mét vuông, mùa hè nóng không chịu nổi, cầu thang dốc đứng. Căn nhà chật chội lại hiếu khách, lũ con của khách nằm dưới sân không sao ngủ được vì sợ... ông Maiacopxki! Là do trên tường nhà có treo bức vẽ ông ấy dữ dội lắm, chị Nga thường giới thiệu với bạn là “bố” ông Hiến!

Với anh, tự do một mình một buồng là điều cực kỳ quan trọng. Nơi đó có máy tính, sách và thuốc men. Anh bảo không biết làm gì, chỉ bám máy. Đến nỗi đi dự hội thảo về, đau ốm không nghỉ, chị Nga xót quá, bảo con: “Làm ơn bê cái vi tính... vứt vào sọt rác may ra bố mày mới yên, mới chịu nghỉ ngơi”.

Thỉnh thoảng lại thấy vị giáo sư lao vào những công việc lớn. Những năm trước, Hoàng Ngọc Hiến viết nghiên cứu giới thiệu văn học Xô viết đương đại, các tác phẩm và cuộc đời Maiacopxki. Là một trong những người sáng lập, rồi làm hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du, GS Hiến có nhiều học trò là nhà văn ưu tú. Thời gian sau này, giáo sư, nhà văn hoá Hoàng Ngọc Hiến tập trung nghiên cứu về minh triết và minh triết Việt. Có thể nói những nghiên cứu của trung tâm Minh Triết do anh chủ xướng đã làm được một việc quan trọng: lần đầu tiên xây dựng được lý thuyết minh triết Việt Nam. Anh Hiến đã viết xong cuốn Luận bàn minh triết và minh triết Việt như cuốn lý thuyết đầu tiên về minh triết Việt Nam.

Anh Hiến bảo đừng gọi anh là giáo sư, hãy gọi anh là nhà văn hóa.

Vâng, gọi vậy là đúng nhất với anh!