Nhiều ngành nghề không thể nghỉ hưu đúng tuổi
Tuổi nghỉ hưu có tác động rất lớn tới mọi đối tượng nên Ban soạn thảo Bộ luật Lao động rất cân nhắc khi đưa ra hai phương án (PA) tăng tuổi nghỉ hưu. Tại hội thảo, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn cho biết: Tổng Liên đoàn đồng ý nâng tuổi tuổi nghỉ hưu như PA1 trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Cụ thể, nam 62 tuổi, nữ 60, kể từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng lên 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, lại hết sức băn khoăn với đối tượng công nhân, người lao động (NLĐ) trực tiếp sản xuất và giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học khó có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Dự thảo Bộ luật Lao động có nói người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn; nhưng công nhân làm việc trực tiếp tại DN lại không thuộc đối tượng này.
Thực tế hiện nay không có lao động trực tiếp về nghỉ hưu đúng tuổi, chủ yếu nghỉ sớm mới lương hưu rất thấp. Vì thế, Tổng Liên đoàn đề nghị bổ sung một số ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vào dự thảo Bộ luật Lao động.
Chị Nguyễn Thị Huyền - Công nhân Công ty TNG Thái Nguyên thay mặt cho hơn 10.000 NLĐ may cho biết, hàng ngày phải ngồi may rất vất vả, tuổi cao thì mắt bị mờ dần nên đường may khó chính xác. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ 60 thì công nhân ngành may liệu có theo được?
“Tôi năm nay 48 tuổi, có năng lực, tay nghề nhưng xương khớp rệu rạo rồi. Nếu kéo dài tuổi làm việc, trong trường hợp muốn về sớm, bị trừ phần trăm thì lương hưu rất thấp. Chúng tôi đề xuất tuổi làm việc như hiện nay để khi về hưu có thể làm thêm việc khác, có 2 lương, may ra mới đủ sống” - chị Hiền đề nghị.
Trực tiếp quản lý NLĐ, chị Đinh Bích Hà - Phó Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Việt Triều cho rằng, nữ giáo viên mầm non khó có thể làm việc đến 55 tuổi, bởi mỗi ngày lao động hơn 8 tiếng vừa trí óc và chân tay, nhất là khi cường độ làm việc ngày càng cao, áp lực nhiều. Trước thực tế, công tác 15 năm tại trường Việt Triều chưa chứng kiến trường hợp về hưu đúng tuổi, cô Hà mong muốn linh hoạt tuổi nghỉ hưu với từng ngành nghề.
Cần tính toán lại
Tuổi nghỉ hưu không thể dựa trên giới tính mà căn cứ vào lĩnh vực ngành nghề là đề xuất được bà Hà Thị Thanh Vân - chuyên viên cao cấp đến từ Học viện Phụ nữ đề xuất. Theo bà Vân, không phải tất cả nam giới đều khỏe như nhau thì về nghỉ hưu ở tuổi giống nhau; không phải tất cả phụ nữ yếu như nhau thì nghỉ hưu ở cùng một độ tuổi. Vì thế, các nhà làm luật cần tính toán ở các góc độ. Tuổi nghỉ hưu cần phải trên nguyên tắc hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện.
Chẳng hạn, trong trường hợp NLĐ tham gia thị trường việc làm muộn nhưng quy định 60 tuổi nghỉ hưu thì họ được hưởng lương một cục, tiêu vài ba tháng là hết, trở thành gánh nặng cho xã hội. Vấn đề bình đẳng giới và công bằng cần phải được đặt ra khi tính tuổi nghỉ hưu. Theo đó, bỏ khoảng cách chênh nhau 5 tuổi như quy định nghỉ hưu hiện nay và chênh 2 tuổi như dự thảo Bộ luật Lao động. Đề nghị nhà nước đưa ra trần tối thiểu và tối đa về tuổi nghỉ hưu cho NLĐ lựa chọn.
Nam và nữ đều về hưu ở độ tuổi giống nhau, cùng 60 hoặc 62. Tuổi nghỉ hưu cũng phải theo ngành nghề, lĩnh vực và có tính đến những ngành đặc thù như công nhân may, công nhân cơ khí, hầm lò, giáo viên mầm non... Và, phải tính toán để mọi người làm đủ thời gian được hưởng tối đa lương hưu, đảm bảo an sinh xã hội.Từ phân tích những tác động đối với lao động nữ khi xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đặt ra một số vấn đề. Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định về vấn đề tuổi nghỉ hưu có sự thay đổi rất quan trọng: Thay vì quy định “có thể được nghỉ hưu” bằng “có quyền được nghỉ hưu” cả với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi cũng như các trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần đặc biệt cân nhắc, xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về sự thay đổi mang tính “bản chất” này.
Ông Lợi cũng đặc biệt lưu ý Bộ LĐTB&XH cần tiếp tục lấy ý kiến về vấn đề này. Cũng như bổ sung, cung cấp đầy đủ thông tin một cách chính xác, thuận tiện nhất là về xác định nhóm ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhóm nặng nhọc độc hại nguy hiểm... Nếu có thể thì tách bạch theo từng lĩnh vực đang thu hút lượng lao động lớn như da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử để NLĐ, hệ thống các cơ quan trong quá trình xem xét, lấy ý kiến có thể đối chiếu. Làm sao có từ 70% số người đồng ý với phương án tăng tuổi nghỉ hưu là được.