Thứ trưởng có ý kiến gì về hiện tượng các DN đang cố tình lách luật bằng cách như nâng định mức để buộc công nhân 35 tuổi trở lên phải nghỉ việc khi không đáp ứng được yêu cầu?
- Hiện nay, đang có hiện tượng một số DN FDI và DN trong nước chủ trương sử dụng người trẻ. Đến độ tuổi nào đó năng suất lao động có thể giảm đi, hay vướng bận chuyện gia đình, hoặc không có khả năng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới, thì chấm dứt hợp đồng. Trước hết nói về quyền của các chủ sử dụng lao động, hiện chưa có quy định nào cấm họ ký hợp đồng 5, 10 hay 20 năm đối với người lao động (NLĐ). Ta mới chỉ cấm họ không được ký hợp đồng ngắn hạn nhiều lần để trả lương thấp, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và các phúc lợi khác. Thực tế là hầu hết những người làm việc ở các DN FDI đều là lao động phổ thông; thường NLĐ vào làm được đào tạo lại trong ít ngày để làm một công đoạn đơn giản. Vì thế, khi DN phát triển thì NLĐ gặp khó, nhất là tới đây công nghệ cao được đưa vào áp dụng.
Vậy làm sao để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
- Về mặt luật pháp, cần xem lại vấn đề an sinh xã hội. Tiếp đến chúng ta phải đào tạo nhân lực tốt. Trong cơ chế thị trường, bản thân từng NLĐ phải nâng cao tay nghề, trình độ, tăng cường ý thức; cũng phải sẵn sàng chấp nhận tình huống chuyển việc; Đồng thời tranh thủ tư vấn, tìm hiểu thị trường và trau dồi chuyên môn, thậm chí có thể phải đi học nghề lại.
Ông có cho rằng NLĐ ở tuổi 35 bị sa thải là hậu quả của giai đoạn thu hút đầu tư để giải quyết việc làm cho lao động phổ thông là chủ yếu?
- Nhìn ở một góc độ có thể như thế, thứ nhất, thời gian đầu chúng ta cần thu hút nhà đầu tư, thậm chí các DN còn cạnh tranh nhau để thu hút đầu tư. Thứ hai, các nhà đầu tư nhằm vào Việt Nam vì giá nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào. Họ đưa công nghệ vừa phải vào nhưng sử dụng được nhiều lao động để mang lại hiệu quả. Cái gì cũng phải có lộ trình và chúng ta chấp nhận sự phát triển chung. Đó là chưa nói đến tới đây công nghệ cao được đưa vào, chúng ta còn gặp nhiều thách thức hơn trong vấn đề lao động.
Xin cảm ơn ông!