Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lính già “có gan làm giàu”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng tôi về xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội trong những ngày đầu Hè nắng oi ả. Giữa cái nóng hầm hập của hàng ngàn túi nấm, người cựu binh gần 80 tuổi vẫn tập tễnh đôi chân không còn nguyên vẹn của mình cần mẫn trên những cánh đồng nấm.

Ông là Phạm Văn Mộc - người lính già luôn cháy bỏng đam mê làm giàu, đóng góp sức mình cho xã hội và quê hương.

Liệt sĩ… trở về

25 tuổi, chàng trai trẻ thôn Tân Tiến (xã Phương Trung, Thanh Oai) Phạm Văn Mộc hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngày ông nhận quyết định vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng cũng là ngày người vợ trẻ thông báo, gia đình đã có thêm thành viên thứ hai. Hơn 10 năm, chồng đi chiến đấu, một mình bà cáng đáng việc gia đình, từ chăm lo bố mẹ già đến nuôi 2 đứa con thơ. “Chiến tranh ác liệt, những lá thư cứ thưa dần rồi đến năm 1970, gia đình tôi bất ngờ nhận được giấy báo tử, ông ấy hy sinh và không tìm thấy xác. Tôi như chết đứng, chỉ biết ôm 2 đứa con mà khóc thôi” - bà Phạm Thị Tuyết - vợ ông Mộc nhớ lại.
Cựu chiến binh Phạm Văn Mộc chăm sóc nấm trong trang trại của gia đình.
Cựu chiến binh Phạm Văn Mộc chăm sóc nấm trong trang trại của gia đình.
Ông kể, thời đó, ông lăn lộn chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Tây Nguyên. Năm 1970, trong một trận chiến đấu, cả đơn vị hy sinh gần hết, ông bị thương nặng và được đưa về điều trị ở tuyến sau. “Qua 3 tháng điều trị, tôi lại lên đường vào chiến trường Tây Nguyên. Sau này, nghe một đồng chí kể lại là đơn vị cử người quay lại tìm nhưng không thấy nên tưởng tôi đã hy sinh” - ông nói.

6 năm làm… liệt sĩ, năm 1976, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông trở về trong sự ngỡ ngàng của bà con, làng xóm. Cậu con trai cả ôm cô em gái đứng nép một góc nhìn bố lạ lẫm. Ngày ông ra đi, cậu cả mới gần 3 tuổi, còn cô con gái thứ hai vẫn nằm trong bụng mẹ. Bà Tuyết kể lại, hồi sinh cô con gái thứ hai, ông đã vào miền Nam chiến đấu nên bà con làng xóm bàn nên đặt tên con là Nam để ông ở trong đó luôn nhớ về vợ con.

Khởi nghiệp ở tuổi 70

Phục viên về địa phương, ông kinh qua đủ nghề, từ làm ruộng, chăn nuôi đến mở hàng cơm bụi. Hỏi về bí quyết, ông nói vui, ông chẳng có bí quyết gì ngoài sự “liều lĩnh”. Gần 80 tuổi nhưng máu làm ăn vẫn chảy hừng hực trong tim ông. “Năm 1992, tôi là một trong những người đầu tiên trong làng quyết định vay vốn ngân hàng chăn nuôi. Hồi đó, tôi vay 500.000 đồng từ Agribank Thanh Oai nhưng bị cả nhà phản đối vì sợ không trả được nợ, người ta lấy mất nhà” - ông kể. Nhưng ông đã quyết, cả nhà đành thuận theo. Từ một vài con gà, con lợn, ông đã nuôi được hàng trăm con gà và vài ba chục con lợn, không chỉ đủ trả nợ ngân hàng mà còn có chút “bát ăn, bát để”.

Nhưng con đường làm ăn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ông Mộc cũng trải qua những trầy trật, những lần thất bại nhớ đời. Đó là thời nhiều hộ chăn nuôi dở khóc dở mếu khi giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh hoành hành, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1. Chăn nuôi gà, vịt lao đao vì gà, vịt bị chết, hoặc phải tiêu hủy, gia đình nào may mắn có gà, vịt không bị dịch bệnh thì cũng không thể tìm được đầu ra. Gia đình ông cũng có thời điểm trắng tay, phải bắt đầu lại từ đầu.
Sơ chế nấm tại gia đình ông Phạm Văn Mộc.
Sơ chế nấm tại gia đình ông Phạm Văn Mộc.
Ông đến với nghề trồng nấm như một cơ duyên. Trong một lần vào miền Nam chơi, ông thấy nghề làm nấm tương đối phù hợp với đất và điều kiện ở quê ông. “Cả xóm tôi có truyền thống làm gỗ nên lượng mùn cưa thải ra rất nhiều. Ruộng đất để hoang, trong khi thanh niên cứ phải bươn chải khắp nơi kiếm sống, tại sao mình lại không tận dụng các lợi thế trên chính đất quê mình?” - ông kể về suy nghĩ lúc đó.

Nghĩ là làm, năm 2009, người lính già đất gỗ Tân Tiến lại cắp sách đến Viện Di truyền học trồng nấm. Ngày đầu, cả lớp gồm 19 học viên tròn mắt nhìn “cậu học trò” 70 tuổi tóc bạc phơ cần cù, chăm chỉ nghe thầy giảng. Sau một năm học các kiến thức cơ bản, ông bắt tay vào trồng nấm. Với khoảng hơn 20 triệu đồng tiền vốn ban đầu, ông thuê 5 sào đất nông nghiệp của các hộ dân trong xóm trồng thử nghiệm mộc nhĩ. Thành công với mộc nhĩ, ông vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Oai mở rộng diện tích trồng nấm lên 1ha, rồi 2ha. Bên cạnh sản phẩm chính là mộc nhĩ, ông còn trồng thêm nấm sò và đang thử nghiệm trồng linh chi.

Đại gia quần ống thấp, ống cao

Sau 5 năm dãi dầu mưa nắng trên những cánh đồng nấm, ông đã có cả một gia tài mà nhiều người mơ ước. Đó là hơn 30 vạn bịch nấm mà gia đình ông sản xuất mỗi năm. Sau khi trừ chi phí, trung bình gia đình ông thu lãi từ 100 - 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động.

Tóc đã bạc, chân tập tễnh do di chứng từ chiến tranh nhưng người thương binh 2/4 chưa bao giờ có một phút nghỉ ngơi. Mắt ông sáng lên khi nói về kinh nghiệm, về cách trồng nấm. Theo ông Mộc, làm nấm ngoài nghiên cứu từ sách vở thì phải có thêm kinh nghiệm thực tế, phải kiên trì học hỏi. Làm nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, trời mưa phùn độ ẩm cao mới thuận lợi. Nếu hanh khô mà không biết cách xử lý là hỏng hết, trời nắng nóng thì phải phun nước trực tiếp vào nấm, có khi phun đến 3 lần/ngày.

Khi chúng tôi khen ông là “đại gia làm nấm”, ông cười hào sảng: “Các anh, chị có thấy ai đại gia mà quần ống thấp, ống cao, mồ hồi nhễ nhại, “xông hơi” giữa mấy chục vạn bịch nấm như tôi không? Tôi chỉ là anh nông dân chân đất vì nghèo nên phải tìm cách vươn lên thôi”. Rồi ông kể về những vất vả của nghề nấm, về những bài học bằng tiền bạc, sức khỏe và công sức của không chỉ mình ông mà cả nhà ông. Thời tiết là một trong những rủi ro lớn của nghề trồng nấm. Chỉ cần nóng quá hay lạnh quá là cả nấm sẽ hỏng. Những ngày ảnh hưởng của thông tin nấm độc, nấm Trung Quốc, người dân quay lưng, người làm nấm khóc dở mếu dở vì sản phẩm không tiêu thụ được. “Hồi tháng 6/2014, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những thông tin không tích cực này. Chỉ mất có một vài tháng thôi nhưng cả năm 2014 gần như chúng tôi chỉ huề vốn” - ông nói.

Dù nghề lấy đi nhiều sức lực, mồ hôi và cả nước mắt nhưng người cựu binh già chưa bao nản lòng hay nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Ông quan niệm, già vẫn phải lao động để làm tấm gương cho con cháu noi theo.

Năm nay, đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn không ngừng nuôi chí làm giàu. Với ông “ngồi không còn khổ hơn là chết”. Giọng ông vẫn sang sảng, mắt ông vẫn ánh lên sự quyết tâm khi nói chuyện làm ăn. Và ông lại say mê nói về kế hoạch mở rộng diện tích trồng nấm lên 3ha của mình, về việc sẽ tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, về kế hoạch tìm đường cho sản phẩm nấm của gia đình ông vào siêu thị.