Đến nay, cả nước có 210.751 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Chỉ trong năm 2016, số người nghiện đã tăng thêm 10.617 so với cùng kỳ năm 2015. Đa số người nghiện có trình độ văn hoá thấp với khoảng 10% không biết chữ, 59% học tiểu học tới THCS. Có tới 2/3 số người nghiện chưa được đào tạo nghề. Hầu hết người nghiện đều không có công việc ổn định, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 so với số tiền chi cho sử dụng ma tuý.
|
Người nghiện đi cai tại trung tâm được học nghề |
Để người nghiện hoàn toàn có thể cai được cũng như trở thành người có ích cho xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đến vai trò của xã hội, gia đình và người thân là động lực quan trọng và tích cực nhất. Gia đình và người thân cũng là chỗ dựa để giúp người nghiện vượt qua khỏi những thách thức đang phải đối mặt.
“Hiện đã có khoảng 5.000 người không tái nghiện từ 3 – 5 năm trở lên. Ý tưởng thành lập câu lạc bộ những người chiến thắng được ma túy trở thành người có ích là đề xuất rất hay. Đây là nơi sẻ chia, gắn bó tạo điều kiện cho họ hỗ trợ nhau về tinh thần, động lực thậm chí cả cơ sở vật chất để vươn lên, hỗ trợ công ăn việc làm” – Bộ trưởng Dung đưa ra ý kiến.
Ông cũng cho rằng, để tạo điều kiện cho người nghiện đi cai tự nguyện, tới đây chắc chắn phải có cơ chế, thay vì hiện nay họ phải đóng góp 100% kinh phí. Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông và thay đổi cách tiếp cận. Bởi vì “hiện nay chúng ta mới chủ yếu tuyên truyền cho người tốt, người chưa nghiện. Trong khi người nghiện có mấy khi nghe đài và xem ti vi. Chúng ta đang tiếp cận phần lớn thanh niên tốt còn những người gặp hoàn cảnh éo le, khó khăn chưa có nhiều tác đông”.
Một vấn đề nữa mà thủ lĩnh ngành LĐTB&XH nêu ra, đó là người nghiện rất cần sự giúp đỡ hỗ trợ của người thân, gia đình và đặc biệt là sự không kì thị của xã hội. Và, đặc biệt phải nâng cao chất lượng học nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Đây chính là cái bền vững và tạo ra một môi trường trong lành, môi trường không ma túy.