Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm: Siết quản lý và trách nhiệm

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ VHTT&DL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.

Phải có bằng chứng sử dụng sản phẩm

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ VHTT&DL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.

Người nổi tiếng quảng cáo trên MXH. Ảnh minh hoạ
Người nổi tiếng quảng cáo trên MXH. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 36 như sau: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.

Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ VHTT&DL - cơ quan soạn thảo cho rằng, hoạt động quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo việc nhiều người lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội để truyền tải nội dung sai sự thật, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội (đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng khiến người tiêu dùng bức xúc.

Trong dự thảo nêu rõ, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.

Xây dựng môi trường quảng cáo lành mạnh

Theo các chuyên gia, việc người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai lệch tạo hệ lụy tiêu cực với khách hàng. Vì vậy, trong dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) lần này, việc Bộ VHTT&DL đề xuất người quảng cáo phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo phát triển, trở thành công cụ định hướng cho DN quảng cáo đúng đắn, cạnh tranh lành mạnh. 

“Tuy nhiên cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của ngành công nghiệp quảng cáo, ngày càng có nhiều phương thức quảng cáo mới ra đời, vì vậy phải có thêm các quy định cụ thể về quản lý nhà nước với hoạt động quảng cáo trực tuyến, trong đó có các chế tài với những người quảng cáo. Đã đến lúc chúng ta cần chấn chỉnh để trả lại môi trường trong lành cho hoạt động quảng cáo. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể xem là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức ở lĩnh vực quảng cáo” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc người nổi tiếng phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp. Vì vậy, cần có sự cân nhắc và thảo luận kỹ lưỡng giữa cơ quan quản lý, những người quảng cáo là KOL, nghệ sĩ và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý, đáng tin cậy nhằm bảo đảm tính công bằng, hiệu quả trong quảng cáo nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của người quảng cáo.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định, khó khăn đầu tiên là cần có những định nghĩa rõ ràng, cụ thể về các tiêu chuẩn và quy định thẩm định. Cần khung pháp lý chặt chẽ để xác định những gì không chấp nhận được trong quảng cáo, bao gồm những nội dung không lành mạnh, sai sự thật hay vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính hiệu quả của việc thẩm định, cần phải xây dựng một hệ thống kiểm tra đáng tin cậy và chính xác. Có thể sử dụng các cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp và độc lập thực hiện việc này. Đồng thời cân nhắc cẩn thận giữa việc bảo vệ tính sáng tạo và tự do nghệ thuật và việc áp dụng quy định thẩm định. Nếu quá chặt chẽ trong việc kiểm duyệt có thể làm hạn chế sự sáng tạo và đa dạng trong lĩnh vực nghệ thuật.

Mặt khác, cần cung cấp hướng dẫn và tư vấn cho người chuyển tải quảng cáo và các nhà quảng cáo về quy trình thẩm định, tiêu chuẩn để giúp tăng cường hiểu biết, tuân thủ từ phía người tham gia. Và cuối cùng là hệ thống kiểm tra, giám sát cần có cơ chế quản lý khiếu nại và xử lý vi phạm một cách công bằng, nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên đảm bảo quy trình xử lý minh bạch và khách quan, toàn diện và hài hòa trong việc thực hiện chế tài.