Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người nội trợ gặp khó với “ma trận” thực phẩm độc hại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, măng tẩm hóa chất, tim nhập khẩu mấy chục năm,...

Kinhtedothi - Sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, măng tẩm hóa chất, tim nhập khẩu mấy chục năm, thịt lợn biến thành thịt bò… có nguy cơ gây ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD) đang là câu chuyện nóng của các bà nội trợ thời gian qua.

Điều này đã tạo tâm lý e dè, lo ngại của NTD khiến lượng tiêu thụ thực phẩm khá chậm.

Cung lớn hơn nhiều cầu

Ngày 14/4, theo quan sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại chợ Thành Công (Ba Đình), Nghĩa Tân, chợ tạm Trung Kính (Cầu Giấy), chợ cóc ngõ 53 phố Quan Nhân, chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân)…, lượng người đi mua thực phẩm những ngày qua đã giảm đáng kể, đa số chỉ mua các thực phẩm đủ dùng trong ngày. Do đó, trên sạp của các tiểu thương đến trưa vẫn còn khá nhiều hàng, dù giá các mặt hàng thực phẩm vẫn không có biến động.
Người tiêu dùng mua thịt tại chợ Thành Công chiều 14/4.
Người tiêu dùng mua thịt tại chợ Thành Công chiều 14/4.
Hiện, thịt lợn: thăn có giá 100.000 đồng/kg, mông 70.000 - 80.000 đồng/kg, móng 60.000 đồng/kg; thịt bò: thăn 260.000 – 265.000 đồng/kg, mông 250.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp mổ rồi 60.000 - 75.000 đồng/kg, gà ta 160.000 – 170.000 đồng/kg; rau muống 7.000 – 8.000 đồng/mớ; đậu phụ 3.000 đồng/bìa nhỏ, 5.000 đồng/bìa to; cá chép 80.000 - 90.000 đồng/kg, trắm 90.000 – 100.000 đồng/kg... Tuy nhiên, NTD chủ yếu chọn các loại thực phẩm rau, củ, quả, đậu phụ, bún, bò, cá… về dùng. Băn khoăn chọn mua thịt lợn ở chợ Thành Công, bà Nguyễn Minh Hồng (Giảng Võ) cho biết: "Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người thực sự hoang mang. Đi chợ, tôi chọn mua chủ yếu cá, trứng, gia cầm... cho bữa ăn gia đình”. Đồng thời ví von, đây là thời điểm khó trong việc nội trợ vì… "bão" thực phẩm bẩn.

Ngán ngẩm kinh doanh

Tại chợ Thành Công trưa ngày 14/4, không khí mua bán khá trầm lắng. Lắc đầu ngao ngán, chủ sạp hàng chuyên bán thịt bê, bò Huyền Anh cho biết, giá cả bây giờ đã trở lại bình thường so với thời điểm Tết, nhưng bán chậm hơn, chỉ được khoảng 40kg/ngày (mọi năm thời điểm này khoảng 60kg/ngày). “Thực phẩm ở đây có nguồn gốc xuất xứ, đã được kiểm định, tự mua về mổ xong, mấy anh chị em trong gia đình trong ngày phân phối, tiêu thụ hết không để hàng tồn kho, bởi thực phẩm tươi còn khó bán, chứ nói gì để tủ lạnh. Tôi mong cơ quan chức năng phạt thật nặng những hộ kinh doanh, cửa hàng sử dụng thực phẩm không an toàn để tránh ảnh hưởng đến những cửa hàng làm ăn chân chính”– chị Anh nói. 

Đồng quan điểm này, chị Hồng Minh, kinh doanh hơn 10 năm tại chợ Phùng Khoang cho biết, chưa năm nào sức mua lại yếu như vậy, có lẽ do thông tin hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện khiến NTD e dè. Do đó, cửa hàng nhập gà lông công nghiệp từ công ty và đã qua kiểm dịch, giá gà 70.000 đồng/kg mổ sẵn, tim 150.000 đồng/kg, mề 60.000 đồng/kg, gan 10.000 đồng/kg… nhưng vẫn rất ít người mua nên cũng chẳng dám nhập nhiều.

Trong khi tại chợ tạm Chính Kinh (quận Thanh Xuân), chủ một sạp kinh doanh thịt lợn cho biết, trước đây, tiêu thụ đến đâu, mổ đến đó, mỗi ngày cũng bán được mấy con, giờ chỉ một con lợn/ngày mà còn lay lắt. “Dù chỉ là một người kinh doanh nhỏ, nhưng tôi nghĩ việc quản lý nhập khẩu thực phẩm, các chất tăng trọng, các trang trại chăn nuôi cũng cần được kiểm soát chặt ngay từ đầu vào mới tránh thực phẩm bẩn xuất hiện trên thị trường” – chủ sạp hàng này bức xúc…

Đây cũng là mong muốn của nhiều tiểu thương, NTD với các cơ quan chức năng để hạn chế thực phẩm mất ATTP xuất hiện trên thị trường, gây hại tới sức khỏe người dân.
Một số lưu ý khi chọn thịt lợn
Thịt lợn sạch bì dày, giữa bì và thịt có lượng mỡ nhiều, bằng mắt thường có thể thấy thịt tươi, ngon, sờ vào miếng thịt dẻo, khô. Còn đối với các loại thịt lợn chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có màu đỏ sẫm như thịt bò, sờ vào dính, trắng, ướt, có chảy nước là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng. Bên cạnh đó, nếu nhìn vào sạp bán thấy trải vải ở dưới miếng thịt để chống thấm, vừa mất mỹ quan, vừa chứng tỏ miếng thịt có vấn đề. Nếu để tủ lạnh hoặc không đảm bảo ATTP, nhìn bằng mắt thường sẽ thấy thịt thường chuyển màu, nhợt nhạt…