Ngày 12/7, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời tiết hè nắng nóng, thức ăn nhanh bị hỏng và ôi thiu, đặc biệt là các loại bánh trái bán vỉa hè. Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn là 1 bệnh lý thường gặp, phần lớn người dân đều nghĩ đây là bệnh lý đơn giản, không nguy hiểm.
Nhưng thực tế, tại Viện truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hằng ngày vẫn gặp rất nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch.
Cụ thể, vừa qua, bệnh nhân N.B. được chuyển lên khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, đang duy trì vận mạch liều cao. Sau khi hoàn thiện các xét nghiệm cơ bản, ngay lập tức bệnh nhân được nhập khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) để điều trị hồi sức tích cực.
Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng sốt cao liên tục, môi khô, khát nước nhiều, ý thức lơ mơ, đau bụng chướng bụng nhiều, đại tiện phân lỏng liên tục, huyết áp 70/50 mmHg, đang duy trì thuốc vận mạch Noadrenalin liều 0,4mcg/kg/ph, khó thở, thở oxy 5-6l/p, không có nước tiểu.
Bệnh nhân được đặt 2 đường truyền tĩnh mạch ngoại vi, truyền xả dịch nhanh, đồng thời, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm để điều chỉnh dịch truyền, điều trị kháng sinh mạnh kết hợp và các thuốc hồi sức điều chỉnh rối loạn toan kiềm khác.
Sau 3 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân cắt được thuốc vận mạch, tự thở tốt và chức năng thận phục hồi tốt.
Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, bệnh nhân đang đi chăm sóc cháu tại bệnh viện tỉnh. Sáng cùng ngày, bệnh nhân có ăn bánh tẻ do con trai mua cho. Sau ăn khoảng 2 giờ, bệnh nhân bắt đầu thấy đau bụng âm ỉ, quặn cơn, buồn nôn, nôn nhiều kèm đại tiện phân lỏng nước.
4 tiếng sau ăn bệnh nhân rơi vào tình trạng mệt lả, lơ mơ, da tím tái, tụt huyết áp, bệnh nhân được cấp cứu ngay tại bệnh viện tỉnh và sau chuyển Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, bệnh nhân là 1 trong những trường hợp may mắn, vì được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng (gan, thận, phổi) sau khi được các bác sĩ hồi sức và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã hồi phục và không để lại di chứng. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp không được may mắn như vậy.
Qua đây, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp khuyến cáo, người dân cần chú ý thời tiết nắng nóng, thực phẩm ôi thiu nhanh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cần được chú ý hết sức.
Khi có biểu hiện đau bụng, nôn và đi ngoài cần đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời để được điều trị đúng cách. Tránh trường hợp bệnh nhân chủ quan, tự ý dùng thuốc cầm đi ngoài dẫn đến bệnh tiến triển nặng và nguy kịch.