Ông Việt Phương (tên thật là Trần Quang Huy), nguyên Thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về làm việc tại Văn phòng Chính phủ từ năm 1947, đó là những năm đầu tiên sau khi Văn phòng Chính phủ được thành lập (năm 1945). Lúc đó, ông Việt Phương mới 19 tuổi.
Kể từ đó cho đến ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời năm 2000, ông Việt Phương đã có 53 năm làm Thư ký cho đồng chí Phạm Văn Đồng trên các cương vị từ Phó Thủ tướng đến Thủ tướng và sau này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ (28/8/1945 - 28/8/2015), ông đã dành cho phóng viên Cổng thông tin điện tử Chính phủ một cuộc phỏng vấn. Lúc đó dù đã sắp bước sang tuổi đại thọ (87 tuổi) nhưng ông không một lời nói về mình. Trong cuộc trao đổi ấy ông chỉ dành tâm sự để nói về “duyên nghiệp” cuộc đời, về thủ trưởng, về tổ chức và gửi gắm kỳ vọng với các thế hệ cán bộ của Văn phòng Chính phủ.
Ông bồi hồi: Lần đầu tiên được gặp cố Thủ tướng Phạm Văn với tôi là một may mắn và vinh dự. Lúc bấy giờ tôi là Bí thư Đảng ủy một Trung đoàn được cử đi dự Đại hội Hội Thanh niên cứu quốc ở Nam Trung Bộ mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Đặc phái viên của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ chủ trì.
Khi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu mỗi đại biểu chuẩn bị bài phát biểu trước khi Đại hội diễn ra. “Đến lượt tôi, đồng chí hỏi: “Bài phát biểu của đồng chí đâu?”, tôi trả lời “Thưa đồng chí, tôi có thói quen không chuẩn bị trước bài phát biểu mà toàn phát biểu vo”, ông Việt Phương kể lại.
“Có lẽ, sau khi nghe tôi phát biểu, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có ấn tượng nên có hỏi tôi về quê quán và việc học hành. Tôi nói tôi là người Hà Nội và vừa tốt nghiệp trường Bưởi. Đồng chí cũng là học sinh trường Bưởi nên được gặp cựu học sinh trường Bưởi Trần Quang Huy thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, đồng chí rất mừng”, ông Việt Phương chia sẻ.
Ông Việt Phương bày tỏ: “Sau này, khi được về làm việc bên cạnh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cảm phục một nhân cách lớn, tôi đã coi ông như người cha tinh thần của mình. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hơn tôi đúng 24 tuổi”.
Chia sẻ với phóng viên, ông nói: Sau 53 năm làm Thư ký cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi đã học được rất nhiều từ cố Thủ tướng.
“Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là con người giản dị, điều đặc biệt của ông là ở tiếng cười, tiếng cười của con người luôn hồ hởi, lạc quan, yêu đời, cởi mở, chan hòa với anh em, bạn bè, đồng chí. Với cả những người giúp việc, người lái xe của mình, ông luôn sống giản dị, hòa đồng và quan tâm đến hoàn cảnh của từng người”.
Ông Việt Phương nhớ lại, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn cố gắng đối thoại với nhân dân để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của mọi người. Trong mọi cuộc họp, dù ở những hội trường lớn hay hội trường nhỏ, kể cả những cuộc họp cán bộ chủ chốt chỉ có vài người, điều mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn tạo ra là sự đối thoại từ hai phía. Ông đặt những câu hỏi đúng và trúng đối với từng người một để nội dung các cuộc họp được sôi nổi, đa dạng và hiệu quả nhất.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một nguyên tắc không thay đổi, đó là tất cả những bức thư mà ông nhận được, ông đều trả lời không sót một bức thư nào, dù đó là thư của một chính khách, một trí thức hay của một nông dân. Ông thường tự viết thư trả lời, dù câu trả lời ngắn chỉ vài dòng hay vài trang giấy. Để thu xếp thời gian trả lời tất cả những bức thư đó là điều không hề đơn giản với một người nắm giữ cương vị quan trọng như cố Thủ tướng.
Những năm tháng sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Bộ Chính trị đề nghị viết hồi ký về cuộc đời mình, nhưng thay vì làm thế, cố Thủ tướng đã dành tâm sức để viết về người thầy vĩ đại của mình - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 8 năm từ năm 1991 - 1999, ông đã dành tâm huyết để hoàn thành 4 cuốn sách về Bác Hồ.
Ông Việt Phương chia sẻ: Với Văn phòng Chính phủ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chính là người thầy của thế hệ cán bộ từ những ngày đầu tại Chiến khu Việt Bắc. Không chỉ là người thầy giáo qua cách truyền đạt trong quá trình làm việc mà ông đã mở lớp dạy chính thức tại trụ sở Văn phòng Chính phủ ở chiến khu để hướng dẫn cho các cán bộ làm việc tại đây. Ông Việt Phương cho biết, bản thân ông chính là học trò của những lớp học đầu tiên mở ra như vậy.
Ông Việt Phương nhớ lại, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng là người sáng tạo ra mô hình trường sau này gọi là Trung học bình dân, đó là trường học dạy cho những cán bộ của Đảng, của Nhà nước thời kỳ bấy giờ.
Trao đổi với phóng viên khi đã 87 tuổi đời, ông Việt Phương luôn luôn xúc động khi nói về người thủ trưởng của mình: “Đây là con người có nhân cách vô cùng tốt đẹp, con người ấy vô cùng chu đáo, cẩn thận và sòng phẳng, không giành của ai cái gì bao giờ”.
“Con người ấy, hội tụ đủ phẩm chất về tài năng và đạo đức; phẩm chất ở ông là trung thực, cái gì cũng rất rõ ràng, thẳng thắn, thật thà; tài năng là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đặc biệt là trong vận dụng những đường lối đã được xác định, thực hiện trung thành, thẳng thắn với lòng tự trọng rất lớn”.
Ông Việt Phương nhắn gửi tới thế hệ cán bộ Văn phòng Chính phủ ngày hôm nay, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là tấm gương sáng ngời của thế hệ đi trước, của thế hệ những “cán bộ vàng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyển chọn và đào tạo. Những truyền thống ấy, cán bộ Văn phòng Chính phủ hôm nay cần kế thừa và phát huy, đặc biệt là luôn trau dồi, nâng cao khả năng sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ.
* Ông Việt Phương cũng là một hồn thơ. Có một dịp chia sẻ với PV Cổng TTĐT Chính phủ về tập thơ của ông “Cửa đã mở”, ông cho biết, tập thơ xuất phát chính từ bài thơ Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết riêng tặng ông, Đại tướng tự nhận "mình là một người làm thơ buông bằng tay trái”. Bài thơ ấy viết:
Anh Việt Phương ơi.
Tôi chúc anh trẻ mãi không già
Hai ba mươi năm nữa vẫn còn xuân phơi phới
Cửa đã mở rồi.
Hoa thơm hoa đẹp từ bốn phương đưa lại
Hoa nở thành thơ, từng chùm, từng chùm
Chàng trai ta vừa ngâm vừa hát
Vừa nhìn về tương lai, ung dung tiến bước”...
Có một sự việc mà nhà thơ Việt Phương không thể nào quên, đó là vào năm 1970 khi ông sáng tác tập thơ đầu tiên với tựa đề “Cửa mở” đã gây nên sự ồn ào xung quanh tập thơ, bởi có nhiều bài thơ được coi là “phá cách” so với hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ.
Khi ấy Cục trưởng Cục Tuyên huấn là học trò của Đại tướng ở trường Thăng Long năm xưa, có đến hỏi Đại tướng là quân đội có ý kiến như thế nào về tập thơ này. Đại tướng ra lệnh “không nói bất kỳ điều gì”. Khi gặp nhà thơ, Đại tướng có nói: “Trong tình hình lúc ấy tôi chỉ có thể ra lệnh như vậy, nếu tôi nói viết bài hoan nghênh thì chưa được đâu. Đó là lệnh cao nhất có thể đưa ra”. Nhưng về sau tập thơ đã được đánh giá cao và được tái bản.
Một trong những điều Đại tướng dặn nhà thơ Việt Phương đó là: “Phải điềm tĩnh lại Phương nhé, không bao giờ cực đoan nhé, phải chừng mực, chừng mực, chừng mực”, ông Việt Phương kể lại với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.