Mờ nhạt vẫn có giá
Công Phượng là một trong những cầu thủ gây thất vọng nhất ở V.League mùa này. Khi trái bóng V.League chưa lăn, tất cả đều chung kỳ vọng cầu thủ của HAGL sẽ tạo ra cơn sốt tại đấu trường quốc nội. Thực sự là Công Phượng đi đến đâu cũng được săn đón. Thế nhưng, sức hút mà anh tạo ra với dư luận phần nhiều là do giới truyền thông thúc đẩy chứ không phải là màn trình diễn ấn tượng trên sân.
Ở V.League mùa này, Công Phượng không phải là cầu thủ quan trọng nhất của HAGL, dù anh đã nhận được rất nhiều cơ hội. Tại màu áo Đội tuyển quốc gia, trước sức ép từ dư luận, ông Miura đã phải dành cơ hội ra sân cho Công Phượng. Thế nhưng, cái mà ông thu được chỉ là nỗi thất vọng ghê gớm.
Công Phượng đã không thể trở thành một ngôi sao sáng của V.League. Thế nhưng, bất ngờ ở chỗ, khi sự thất vọng về một Công Phượng nhợt nhạt tăng lên thì cũng là lúc cầu thủ này được một đội bóng hạng 2 ở Nhật Bản săn đón. Mức lót tay 2 tỷ đồng cùng số tiền lương 60 triệu đồng/tháng được dành cho Công Phượng. Số tiền này không lớn, nhưng với một cầu thủ ít nhiều gây thất vọng ở V.League thì đó là sự bất ngờ. Vậy nhưng, sự hào phóng của đội bóng sắp xuống hạng tại Nhật Bản khiến người ta phải đặt câu hỏi: Phải chăng, họ chuyển nhượng Công Phượng với mục đích tìm kiếm một tài năng hay chỉ là một chiêu thức quảng bá cho một thương hiệu hàng hóa nào đó như vài năm trước Công Vinh đã từng làm.
Dự bị V.League là hàng hiệu Thai League
Mùa bóng vừa rồi, Công Vinh là dự bị chiến lược ở Bình Dương. Mặc dù là ngôi sao sáng nhất Đội tuyển quốc gia nhưng tại Bình Dương, cầu thủ này không có vị trí chính thức. Tuổi tác, phong độ đi xuống khiến Công Vinh không thể cạnh tranh được với các tiền đạo khác.
Thất vọng là vậy, nhưng tất cả phải tròn xoe con mắt khi hay tin, ít nhất 2 đội bóng Thái Lan đã gửi lời mời đến Công Vinh. Lại phải đặt câu hỏi, những đội bóng rất mạnh của Thái Lan đang hố hàng hay họ muốn làm hàng với một cầu thủ sao số của V.League. Nên nhớ rằng, trước khi có lời mời từ Thái Lan thì theo những nguồn tin riêng, Bình Dương đã bật đèn xanh cho Công Vinh tìm kiếm đội bóng mới. Tất nhiên là với một V.League vốn đã quen mặt thuộc tên Công Vinh thì họ sẽ không bỏ số tiền lớn để chiêu mộ một cầu thủ đã qua thời đỉnh cao của phong độ.
Bóng đá chuyên nghiệp là một cuộc chơi đầy toan tính. Phải nhấn mạnh đến sự toan tính để có được tỉnh táo trong những chiêu thức trên thị trường. Bởi nói cho cùng, trong bóng đá, những vụ chuyển nhượng không hẳn là thương vụ làm ăn thông thường. Yếu tố chuyên môn đôi khi bị đặt dưới những toan tính về kinh doanh. Vậy nên, đừng “tưởng đỏ mà cho là chín”. Đừng nghĩ các ngôi sao được săn đón để cho rằng họ sẽ trở thành những ngôi sao sáng ở các giải đấu chất lượng cao. Rồi, ý tưởng đi một ngày đàng, học một sàng khôn chưa chắc đã đúng trong một nền bóng đá vốn bị tác động rất lớn bởi yếu tố thương mại.
Vậy mới nói, hãy bình thản trước sự ồn ào của nền bóng đá. Bởi, có như vậy thì người trong cuộc, người yêu bóng đá mới tránh được cảnh kỳ vọng lắm, thất vọng nhiều. Hãy đón nhận mọi thứ một cách bình thường và coi đó là cơ hội để học tập thay vì tự mãn về những gì đang có là con đường đúng đắn nhất mà mỗi cầu thủ cần phải đi.
Công Phượng (trái) và Công Vinh trong một buổi tập.
|