KTĐT - Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) dự kiến được Bộ Công Thương trình Chính phủ vào cuối năm 2009 và thông qua Quốc hội vào năm 2010.
Như vậy thời gian để ban soạn thảo hoàn thiện dự luật này không còn nhiều, trong khi đó còn rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng dự thảo quá “thiên vị” NTD chưa quan tâm tới quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên theo đại diện Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinatas), Phó Chủ tịch Hội, ông Hồ Tất Thắng: “Luật làm ra để bảo vệ NTD thì đương nhiên phải đứng về phía NTD”.
Ông Thắng nói:
Trong quan hệ giữa nhà sản xuất kinh doanh và NTD, những NTD luôn luôn ở thế yếu, và đã yếu thì cần được bảo vệ, và bảo vệ thì phải hình thành Luật. Nếu không làm điều đó thì chúng ta chỉ cần dùng Luật Thương mại, Luật Tố tụng, Luật Dân sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Lâu nay chúng ta vẫn nói rằng, tại sao người tiêu dùng lại không tiến hành đi khởi kiện? Với lý do nếu sử dụng vào Bộ Luật dân sự, thì NTD không bao giờ khởi kiện được và có kiện cũng không bao giờ có thể thành công. Khi luật này được đưa ra thì tổ chức thay mặt NTD và bản thân NTD có quyền kiện, và có thể thành công.
Ví dụ như trong quy định về khởi kiện, NTD có quyền khởi kiện mà không cần thiết phải chứng minh thiệt hại của mình. Trách nhiệm chứng minh thuộc người bị khởi kiện, tức là các doanh nghiệp. Thêm nữa là việc khởi kiện sẽ được thực hiện ở tòa án một cấp, giải quyết bằng thủ tục rút gọn. Đây là điểm rất mới của luật này nhằm đảm bảo quyền của NTD.
Nhưng vì sao lại “giao” nghĩa vụ chứng minh tại phiên tòa cho các tổ chức sản xuất và kinh doanh chứ không phải là NTD?
Các cuộc khởi kiện của NTD hiện nay thường là nhỏ, giá trị thấp. Ví dụ như mua một chai nước và phát hiện trong chai nước đó có “vật thể lạ”, hoặc mua một hộp sữa thấy trong hộp sữa đó có mầu sắc thay đổi, thì bản thân NTD có quyền khởi kiện doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối sản phẩm đó. Muốn khởi kiện thì họ phải có bằng chứng nhưng thực tế NTD lại không có đủ khả năng để đưa mẫu sản phẩm đó đi thử nghiệm vì thông thường chi phí thử nghiệm rất cao. Vì vậy, trách nhiệm để chứng minh sản phẩm đó có đảm bảo an toàn hay không phải thuộc về các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh. Đó là nghĩa vụ của nhà sản xuất, người tiêu dùng không phải làm những công việc đó.
Cần nói rõ NTD có quyền hạn gì
Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng, Luật Bảo vệ NTD cũng phải có quy định nhằm ngăn chặn những khiếu kiện vô lý hoặc khiếu kiện nhằm mục đích hạ thấp uy tín của doanh nghiệp?
Đúng như vậy, mặc dù luật này nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của NTD nhưng trong luật cũng cần nói rõ NTD có quyền hạn gì, trách nhiệm gì để tự bảo vệ mình và không có những đòi hỏi vô lý đối với doanh nghiệp. Trong dự luật hiện nay vẫn chưa quy định được điều đó.
Vậy theo ông, NTD có những trách nhiệm, nghĩa vụ gì?
Theo tôi, thứ nhất là họ phải có trách nhiệm bảo vệ mình, thứ hai là phải có trách nhiệm với cộng đồng, thứ ba không được lạm dụng quyền lợi của mình để khởi kiện và áp đặt lại các nhà sản xuất. Bởi thực tế trong quá trình giải quyết các vụ khiếu nại của NTD, đã có không ít trường hợp lợi dụng khiếu nại để đòi hỏi các nhà sản xuất bồi thường vô lý.
Nhà nước nên cấp kinh phí cho quỹ bảo vệ NTD
Ông nghĩ sao về ý tưởng hình thành một quỹ bảo vệ NTD, theo ông quỹ đó sẽ do ai lập và quản lý?
Đúng là chúng ta cần có một quỹ bảo vệ NTD để bảo vệ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, ở một số nước đã có quỹ đó. Việc do ai quản lý và quản lý như thế nào có thể sẽ phải nghiên cứu, xem xét thêm. Tuy nhiên, quỹ đó nên có nguồn từ Nhà nước, bởi trách nhiệm bảo vệ NTD là của Nhà nước, Nhà nước nên cấp kinh phí cho việc thành lập quỹ đó. Mặt khác, quỹ đó có thể huy động sự đóng góp từ các doanh nghiệp, bởi vì việc đóng góp quỹ bảo vệ NTD cũng chính là bảo vệ lợi ích của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, kinh phí hoạt động cho quỹ đó có thể lấy từ các nguồn thu bất chính trong các vụ xâm phạm quyền lợi NTD, chẳng hạn như nguồn thu bất chính của các cây xăng gắn chíp bị phát hiện sẽ phải sung quỹ.
Xin cảm ơn ông!