Cạnh tranh khốc liệt
Thực tế cho thấy, các DN tham gia ngành công nghiệp chế biến thực phẩm có đầy đủ thông tin về thị trường và có thể dễ dàng tham gia hoặc rút khỏi thị trường, nên mức độ cạnh tranh khá cao, do vậy đã tiềm ẩn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để loại bỏ đối thủ.
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương cho biết: Cục đã phát hiện một đơn vị xây dựng kiểu dáng, tên gọi cho sản phẩm thạch rau câu "Konnyaku ABCxy powder" dựa trên trên thiết kế bao bì, tên gọi của sản phẩm đã được người tiêu dùng tính nhiệm là thạch rau câu "Konnyaky Jelly Powder".
Đại diện Công ty bia Huda Huế than phiền, hình thức cạnh tranh theo kiểu nói xấu, tung những tin đồn thất thiệt về DN khác để thông qua đó chiếm lĩnh thị trường vẫn đang tồn tại. Lợi dụng việc người tiêu dùng Việt Nam "dị ứng" với một số mặt hàng thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, đầu tháng 3/2013, trên thị trường xuất hiện tin đồn bia Huế bị bán cho DN Trung Quốc, điều này khiến sản lượng tiêu thụ bị sụt giảm nghiêm trọng, nhất là thị trường một số tỉnh miền Trung.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Thực phẩm Đức Việt. Ảnh: Huy Hùng
Hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách sản xuất hàng nhái nhãn mác những DN có uy tín trong ngành thực phẩm đang diễn ra khá nghiêm trọng trong lĩnh vực rượu - bia - nước giải khát. Số liệu của Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường qua kiểm tra đã phát hiện, thu giữ 7.455 chai rượu giả các loại và nhiều vụ sản xuất rượu giả với số lượng lớn...
Những năm gần đây, nhiều DN đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hình thức chuyển giá tinh vi như: Nâng giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, dịch vụ... tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, khiến nhiều DN Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, DN trở thành 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ làm thất thu thuế thu nhập DN mà còn tạo ra tình trạng cạnh tranh khô
Xử lý nghiêm các DN vi phạm
Trong nền kinh tế thị trường không thể thiếu cạnh tranh. Tuy nhiên, việc cạnh tranh lành mạnh mới giúp các DN hỗ trợ nhau và cùng phát triển. Ngược lại, các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh sẽ làm mất uy tín của thương hiệu và giảm lòng tin với người tiêu dùng.
Tại hội thảo: "Sản xuất thực phẩm an toàn trong xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức (11/6), ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng tình với ý kiến này, ông Hồ Quốc Thịnh - Giám đốc Marketing Công ty TNHH bia Huế đề xuất cơ quan chức năng cần có chế tài và hình thức xử lý mạnh hơn để răn đe các DN có những hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, vai trò của các hiệp hội, hội cần được phát huy tích cực hơn nữa trong việc làm cầu nối giữa DN - khách hàng với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng khi xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra ngày càng phức tạp, để tồn tại và phát triển, DN cần hiểu rõ luật và phương thức cạnh tranh nhằm chủ động đối phó với những hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh. Bên cạnh đó, bản thân DN, người tiêu dùng phải liên kết chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi thương mại, qua đó bảo vệ uy tín của DN và quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, Nhà nước cần hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN; Tăng cường năng lực của các cơ quản lý để kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những DN vi phạm Luật Cạnh tranh, bán phá giá, làm hàng nhái, chuyển giá và chuyển thuế.