Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tìm lại ký ức ngày toàn thắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 40 năm đã qua nhưng nhà văn Mã Thiện Đồng vẫn khắc khoải với nhiệm vụ và trách nhiệm của thế hệ bà với những người đã ngã xuống vì ngày toàn thắng của dân tộc...

Từ vùng “đất thép”…

Gặp lại nhà văn Mã Thiện Đồng - người được mệnh danh là “Nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh” hay “Người tìm lại ký ức ngày toàn thắng” tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 4 lịch sử. Bà bồi hồi kể cho chúng tôi nghe hành trình tìm những nữ du kích, những thanh niên xung phong, với chiến công thầm lặng, nhưng góp công không nhỏ vào đại thắng của dân tộc. Bởi chỉ mấy năm nữa, những nhân chứng lịch sử sẽ mang theo bao câu chuyện thần kỳ mà ra đi, nếu không viết nhanh lên thì mai sau khó có ai tin đây là sự thật.
Những nữ du kích Củ Chi, nữ biệt động Sài Gòn năm xưa bồi hồi gặp lại giữa thời bình.
Những nữ du kích Củ Chi, nữ biệt động Sài Gòn năm xưa bồi hồi gặp lại giữa thời bình.
Với tâm tư như vậy, nơi đầu tiên nhà văn Mã Thiện Đồng tìm về là vùng đất thép Củ Chi - nơi Mỹ - ngụy từng công bố: “Nếu để Củ Chi còn là căn cứ Việt cộng, là ta mất Sài Gòn”. Tại đây bà đã gặp trực tiếp những nhân chứng lịch sử chứng kiến trận càn hủy diệt của Mỹ - ngụy giai đoạn trước giải phóng vô cùng ác liệt, mà chúng đặt bí danh trận càn là Crimp (tức cái bẫy). Theo nhà văn, khi tìm về đất thép, bà được nhiều cựu thanh niên xung phong, cựu du kích Củ Chi kể: “Mỹ sợ nhất là lùm cây, xóm ấp che khuất tầm nhìn, nên Mỹ đã cào bằng, xới tung, đốt cháy, mặt đất trắng trơn trắng vùng…”. Ông Bảy, một du kích Củ Chi kể lại “bom đạn đang hủy diệt nơi đây, nhưng đất và cây vẫn đang che chở cho con người anh dũng. Người vẫn bám chặt cây để sống, cây vẫn bám chặt đất để lên. Đất vẫn giữ chặt lấy, người, người vẫn ôm chặt đất, vẫn còn sống”.

Những nữ biệt động trên đường phố

Không chỉ có địa đạo Củ Chi, ngay chính “thánh địa” của ngụy quân Sài Gòn, những nữ biệt động dù phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy, thậm chí chịu đựng nhiều đòn roi, tra tấn hết sức dã man của kẻ thù, nhưng vẫn một lòng yêu nước, mưu trí, dũng cảm. Phùng Thị Ngọc Anh – cựu nữ biệt động Sài Gòn, với biệt danh “Tiểu Long Nữ trên đường phố” kể lại khi bà bị bắt và tống giam chung cùng lượt với anh hùng Lê Thị Riêng – lúc đó là cán bộ Hội Phụ nữ TP và anh Chín Ca (tức Trần Văn Kiểu), đây là hai lãnh đạo của ta ở khám Chí Hòa. Cả 3 người bị còng chặt hai tay, chân cũng bị xích liền với nhau. Dưới vỏ bọc áp giải các tù nhân chính trị, nhưng bọn ngụy quyền toan tính việc thủ tiêu cả 3 tù nhân chính trị nguy hiểm của Việt cộng. “Khi chúng đưa 3 chúng tôi lên xe, chạy trong đêm tối, bỗng có tiếng súng nã ầm ầm vào thùng xe. Cả chị Lê Thị Riêng và anh Chín Ca gục xuống, tôi may mắn chỉ bị thương vào đùi nhờ được chị Riêng che chở”. Khi tưởng 3 tù nhân đã chết, cảnh sát ngụy đã giao cho bệnh viện tống vào nhà xác và dàn cảnh để che giấu hành động thủ tiêu, đổ tiếng cho “Việt cộng”. Sự sống sót may mắn của nữ biệt động Phùng Ngọc Anh cho thấy một giai đoạn khủng bố, đàn áp dã man của chính quyền Sài Gòn. Thế nhưng, tất cả những dã tâm của kẻ thù đành phải cúi đầu trước những nữ biệt động đầy quả cảm của Sài Gòn một thời đạn lửa.
Người tìm lại ký ức ngày toàn thắng - Ảnh 1
Ngoài nữ biệt động Ngọc Anh thì có một nữ biệt động Sài Gòn với biệt danh "Con thoi sắt" từng chịu những kiểu tra tấn dã man như đánh đập, bẻ xương, răng, đổ nước xà phòng, dí điện vào người... nhưng người nữ biệt động này không hé miệng nửa lời. Khi được Mai thuật lại những giây phút đối mặt với cái chết, nhà văn Mã Thiện Đồng đã không cầm được nước mắt. Thế nhưng ở người con gái dũng cảm này thì dù có đau đớn đến mấy vẫn cứng cỏi, quyết không khai cơ sở bí mật của ta, kể cả vũ khí và kế hoạch chiến đấu. Cũng như Ngọc Anh, Mai đã may mắn thoát chết sau khi trốn thành công khỏi bệnh viện của địch và về tới căn cứ an toàn. “Họ là một phần sự thật lịch sử của Sài Gòn. Sự thật ấy chỉ có trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cuộc chiến đã gây nên biết bao mất mát, đau thương cho dân tộc, nhưng cũng hun đúc lên lòng yêu nước, dũng cảm phi thường của những nữ dũng sĩ chiến đấu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp” - nhà văn Mã Thiện Đồng chia sẻ.

Đời thường giản dị

Những ngày này, khi tìm về vùng đất địa đạo đất thép anh hùng năm nào, nhà văn Mã Thiện Đồng không quên chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống rất đỗi giản dị của những nữ du kích năm xưa. “Tôi có gặp chị Thược, nữ du kích Củ Chi - dũng sĩ diệt Mỹ đấy.  Hòa bình rồi, nhưng dường như người phụ này vẫn tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho quê hương”. Hiện, bà Thược tham gia công tác phụ nữ xã, hội cựu chiến binh, giải quyết chế độ cho những đồng đội đã ngã xuống. Lu bu chuyện công, vậy mà người phụ nữ mảnh mai ấy vẫn âm thầm làm một khối lượng công việc mà tưởng chừng như người thường không thể kham nổi. Bà Thược chia sẻ, ở quê hương Củ Chi nhà nhà liệt sĩ, nhà nhà thương binh, nhà nào cũng có công với cách mạng, nhiều người nhận huân huy chương, thương bệnh binh, còn nhiều người nghèo, lấy đâu ra đủ “tình nghĩa” hay “tình thương” để bù đắp cho hết.

Đối với nữ dũng sĩ diệt Mỹ - Bảy Mô ngay khi miền Nam được giải phóng, năm 1976 chị phục viên về Củ Chi. Thế nhưng, mỗi năm đến dịp kỷ niệm 30/4, nhà bà lại nức tiếng cười của những nhà báo, cựu binh Mỹ. Bà kể kỷ niệm nhiều năm sau giải phóng, ông Tephs Hudsonhai - một nhà báo của Mỹ tìm đến bà. Nhưng ông chỉ có duy nhất một tấm hình, hỏi cả huyện đội, huyện ủy, không ai biết. Phải đến sau này, người cựu binh Mỹ sau nhiều nỗ lực đã lần tìm ra nữ du kích Củ chi. Gặp bà, người cựu binh Mỹ nhớ nhất câu nữ dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa nói: “Hồi chiến tranh, tôi căm thù người Mỹ, người Mỹ mang bom đạn sang bắn giết đồng bào tôi, nhưng sau này, tôi hiểu không phải người Mỹ nào cũng bắn giết cũng có người Mỹ phản đối chiến tranh”.

Là người tìm lại ký ức của những ngày đạn bom chống Mỹ, đến ngày toàn thắng, nhà văn Mã Thiện Đồng tâm tư: những người lính, đặc biệt là nữ du kích, nữ biệt động vốn là những cô gái hiền lành, mộc mạc chỉ biết mần rượng, trỉa đậu, trồng lúa, trồng mì, thế nhưng giặc đến phá làng, phá xóm, tàn sát đồng bào, họ đúng lên cầm súng. Cùng với cả Nam bộ, những người lính ấy đã viết nên huyền thoại chấn động năm châu, dù cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm…