Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người truyền nghề cho nông dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ một hộ dân thuần nông, anh Phạm Văn Tuân, thôn Mỹ Lâm, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa đã mạnh dạn tìm hướng làm giàu bằng cách mở xưởng may màn gia công.

KTĐT - Từ một hộ dân thuần nông, anh Phạm Văn Tuân, thôn Mỹ Lâm, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa đã mạnh dạn tìm hướng làm giàu bằng cách mở xưởng may màn gia công.

Xưởng may không những giúp anh thu về trên 100 triệu đồng mỗi năm mà còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động trong xã.


Trò chuyện với chúng tôi, anh Tuân cho biết: "Trước đây, nhà tôi làm thuần nông, cấy lúa một năm hai vụ chỉ đủ ăn. Vì thế, tôi luôn băn khoăn tìm cách để làm giàu". Nghĩ là làm, anh Tuân lặn lội hàng tháng trời đi khắp nơi để học hỏi các mô hình làm kinh tế ở nông thôn. Sau khi cân nhắc, anh quyết định lựa chọn mô hình may màn gia công. "Chọn mô hình này là vì tôi thấy người dân trong xã có quá nhiều thời gian nông nhàn. Nếu có việc làmthì sẽ có thêm thu nhập" - anh Tuân chia sẻ.


Đầu năm 2009, tận dụng diện tích đất ở rộng rãi, anh vay vốn mở xưởng may 240m² và mua sắm trang thiết bị. Xưởng may của anh liên kết với Công ty May 10, trong đó phía Công ty cung cấp nguyên liệu và anh nhận về may gia công, đóng gói và hưởng lợi ăn theo sản phẩm. Tuy nhiên, do 100% lao động chỉ quen với việc đồng áng, chưa được đào tạo nên 2 tháng đầu tiên, số lượng may lỗi rất nhiều, sản phẩm làm ra chỉ đủ hòa vốn. Anh phải động viên mọi người vừa học vừa làm.


Sau một thời gian, công nhân đã thành thục đường may, việc làm ăn của xưởng cũng khấm khá lên dần dần. Hiện tại, xưởng của anh Tuân có 30 máy may, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động trong xã với mức lương từ 800.000 - 3,5 triệu đồng/tháng, tùy theo trình độ tay nghề. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh làm ra được 40.000 chiếc màn, trừ chi phí đi cũng thu lãi 10 - 12 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Thu, một công nhân làm tại xưởng chia sẻ: Từ lúc được dạy nghề và vào làm tại xưởng, mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được 1,5 triệu đồng. Đây là khoản tiền tương đối để chi tiêu trong gia đình và chăm lo cho con ăn học.


 
Điều đáng mừng là đến nay, tất cả công nhân của xưởng may đã được đóng bảo hiểm. Xưởng may của anh Tuân được Hội Nông dân xã Hòa Lâm và Hội Nông dân huyện Ứng Hòa chọn làm điểm để liên kết dạy nghề cho nông dân trên địa bàn, hướng tới giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ông Hoàng Minh Chiến, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lâm cho biết: Tuy mới phát triển chưa lâu nhưng nghề may đã góp phần thay đổi tích cực đời sống của nhiều nông dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của xã. Đây cũng là hướng đi thiết thực trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Hòa Lâm.