Theo ông Lê Huy Trí – Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu ATGT, Học viện CSND, xã hội ngày càng phát triển, số lượng xe ô tô cá nhân cũng từ đó mà tăng lên đáng kể. So với xe máy, việc sử dụng xe ô tô làm phương tiện đi lại hàng ngày được đánh giá là an toàn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, mua được ô tô là một chuyện, việc sử dụng ra sao các thiết bị đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động, đặc biệt là dây an toàn lại là chuyện khác. Tại Việt Nam , nhiều người vẫn chưa có thói quen thắt dây an toàn khi di chuyển trên xe ô tô, đặc biệt là hàng ghế sau.
“Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cài dây an toàn giúp giảm 45 – 50% nguy cơ tử vong cho tài xế và người ngồi trước, giảm 25% nguy cơ tử vong và chấn thương nghiêm trọng cho người ngồi ghế sau. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn chưa có thói quen sử dụng thiết bị này trong quá trình di chuyển” – ông Trí cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Xuân Bình – Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định việc bắt buộc sử dụng ghế chuyên dụng và thắt dây an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên xe ô tô. Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của trẻ em, các cơ quan chức năng cần bổ sung thêm các quy định có liên quan.
Dự án An toàn giao thông cho trẻ trên xe ô tô do CLB xe hơi Việt Nam (AA Việt Nam) và Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (Quỹ AIP)… phối hợp thực hiện. Trong khuôn khổ dự án, BTC sẽ triển khai các chương trình và hội thảo và chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng ghế chuyên dụng và thắt dây an toàn cho trẻ, đặc biệt tập trung tác động tới nhận thức và hành vi của người lớn trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ trên xe ô tô. Các hoạt động được xây dựng trên bộ công cụ nhằm bảo vệ trẻ trước những rủi ro khi di chuyển bằng xe ô tô của Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA), đồng thời khuyến nghị đưa việc sử dụng ghế chuyên dụng và thắt dây an toàn cho trẻ em vào luật.