Theo báo cáo “Cận cảnh người tiêu dùng Việt Nam” vừa được công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam công bố, với mức thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên nhanh chóng, người tiêu dùng Việt Nam đã mạnh tay chi tiêu hơn cho các nhu cầu mua sắm.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2010 - 2012, mức thu nhập bình quân tại Việt Nam đã tăng 44%, cùng với đó mức chi tiêu hàng tháng của mỗi người Việt cũng tăng hơn 32% và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Dự đoán tới năm 2020, tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh và đạt con số 33 triệu, chính vì vậy đây là đất nước rất tiềm năng cho các hãng sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, Nielsen nhận định.
Theo Nielsen, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định mua sắm của người Việt là chất lượng sản phẩm. Có tới 73% số người tham gia khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường cho rằng họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho một sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Đồng thời thói quen mua sắm cũng đã dần thay đổi khi 42% người được hỏi cho biết thường xuyên mua sắm tại siêu thị, 23% sinh viên và 36% nhân viên văn phòng lựa chọn mua sắm tại cửa hàng bách hóa.
Điều này đã phản ánh đúng thực tế khi số lượng cửa hàng tạp hóa tăng ở Việt Nam đã lên gấp đôi từ 147 cửa hàng ở 2012 lên 348 cửa hàng trong năm 2014. Chỉ tính riêng trong 2014, số lượng siêu thị loại nhỏ đã tăng 600 cửa hàng so với 1 năm trước đó.
Tuy nhiên cửa hàng tạp hóa vẫn là kênh mua sắm chiếm ưu thế trên thị trường, khi trên 80% doanh số của hàng tiêu dùng nhanh đến từ cửa hàng tạp hóa, với 1,3 triệu cửa hàng trên toàn quốc.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến của người Việt cũng đang tăng mạnh, Nielsen cho biết. Cứ 4 người Việt thì 1 người có nhu cầu mua sắm theo dạng này. Sở dĩ có được điều trên là do điện thoại thông minh đang bùng nổ ở Việt Nam, cứ 2 người Việt thì sẽ có 1 người sở hữu một chiếc smartphone.
Siêu thị đang là một trong những kênh mua sắm chính của người tiêu dùng Việt
|