Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt vẫn chuộng kênh tiết kiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 80% người Việt được Nielsen khảo sát chọn cách tiết kiệm tiền thừa sau khi đã trang trải sinh hoạt phí thiết yếu. Tỷ lệ này đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm.

Theo kết quả khảo sát chỉ số Niềm tin người tiêu dùng toàn cầu quý II vừa được Nielsen công bố, người dân khu vực Đông Nam Á đang chi tiêu chậm lại trong những tháng gần đây do bất ổn chính trị và giá các loại thực phẩm tăng trong khu vực. Riêng Việt Nam, chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm nhẹ trong quý II, xuống còn 98 điểm, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự gia tăng lo lắng về tài chính và công việc.

 
Đa phần người Việt Nam chọn cách tiết kiệm tiền thừa sau khi đã trang trải các sinh hoạt phí thiết yếu, theo báo cáo của Nielsen. Ảnh: Thi Hà
Đa phần người Việt Nam chọn cách tiết kiệm tiền thừa sau khi đã trang trải các sinh hoạt phí thiết yếu, theo báo cáo của Nielsen. Ảnh: Thi Hà
Ông Vaughan Ryan – Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho rằng kết quả khảo sát trên cùng sự sụt giảm đáng kể của thị trường tiêu dùng nhanh trong nước suốt 6 tháng qua đã nói lên phản ứng của người Việt Nam với tình hình kinh tế. “Tâm lý e dè vẫn còn đè nặng trong quý II nhưng chúng ta vẫn có cơ sở để tin vào sự phục hồi những tháng cuối năm”, ông Ryan đánh giá.

Trong nhóm người được khảo sát, tới 53% chia sẻ cảm thấy tích cực về tình hình tài chính. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn so với mức trung bình khu vực (62%).

Cũng theo kết quả này, 79% số người được hỏi tại Việt Nam chọn cách tiết kiệm tiền thừa sau khi đã trang trải sinh hoạt phí thiết yếu. Nielsen cho biết đây là mức lớn nhất trong ba năm qua và cao hơn 17% so với trung bình khu vực.

Khi nhắc đến tiết kiệm sinh hoạt phí, hạn chế chi tiêu vào trang phục là hình thức phổ biến nhất mà người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á đang áp dụng. Song song với đó là cắt giảm giải trí và hạn chế chất đốt, điện.

Từ nay đến cuối năm, báo cáo này cũng cho biết thêm mối bận tâm lớn nhất của người dân khu vực Đông Nam Á chủ yếu là sự đảm bảo về việc làm và tình hình kinh tế. Riêng Việt Nam, sự quan tâm lớn nhất trong nửa cuối năm là vẫn đề căng thẳng chính trị với Trung Quốc.

Khảo sát toàn cầu về niềm tin người tiêu dùng và dự định mua sắm được Nielsen thực hiện từ năm 2005. Đối tượng khảo sát trên 30.000 người tiêu dùng trực tuyến tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.