Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn cung bất động sản mới ở Hà Nội tiếp tục sụt giảm

Tin & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như trong quý I, II/2020 tỷ lệ hấp thụ sản phẩm được bán tại thị trường Hà Nội chỉ ở mức lần lượt là 15,5%, 20,6%, nhưng đến quý III, tỷ lệ này đã tăng lên 35,1%, tuy nhiên nguồn cung mới sản phẩm lại tiếp đà sụt giảm sau 2 “cú đánh” liên tiếp của đại dịch Covid-19. Số liệu trên được công bố tại buổi lễ Báo cáo tình hình thị trường bất động sản (BĐS) quý III/2020 do Hội môi giới BĐS Việt Nam tổ chức chiều 5/9.

Đất nền các huyện ngoại thành có xu hướng tăng giá.

Theo đó, tổng lượng sản phẩm được bán trên toàn thị trường Hà Nội quý III/2020 đạt 13.300 sản phẩm (chủ yếu là căn hộ chung cư), giao dịch 2.966/13.300 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ tương đương 22,3%.

Đối với sản phẩm căn hộ chung cư mới được chào bán ra thị trường: Trong 9 tháng đầu năm 2020, tại Hà Nội có 7.989 s/p (trong đó, quý III/2020 có 2.486 s/p, giao dịch 872 sản phẩm đạt tỷ lệ 35,1%, quý II có 4.336 sản phẩm, giao dịch thành công 892 sản phẩm đạt tỷ lệ 20,6%). Trong đó, căn hộ bình dân tiếp tục tiếp tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ theo phân khúc nhưng có tỷ lệ hấp thụ tương đối tốt. Lượng cung căn hộ cao cấp mới tung ra thị trường cũng rất hạn chế bởi tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này đang ở mức rất thấp (khoảng 10%).

So với cùng kỳ các năm 2018, 2019: Lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm căn hộ mới chào bán quý III/2020 tại Hà Nội giảm mạnh (lượng giao dịch chỉ đạt 15,7% so với quý III/2018 và 28,1% so với quý III/2019). Giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%.

Trong khi đó, lượng cung mới từ các dự án BĐS tại Hà Nội rất hiếm dòng sản phầm thuộc phân khúc bình dân. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như: Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao đạt khoảng 70%.

“Tình trạng phát triển dự án BĐS tại Hà Nội trong khoảng thời gian 2 - 3 năm trở lại là rất ì ạch. Gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này. Các dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước từ từ nhỏ giọt cung cấp sản phẩm cho thị trường. Trung bình nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý, một số lượng rất khiêm tốn so với quy mô dân số 10 triệu người của TP Hà Nội” - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.

Cũng theo đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam, sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid 19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng không ngoại trừ các đại dự án đang được quảng cáo rầm rộ.

Đối với thị trường đất nền ngoài các dự án trong 9 tháng đầu năm 2020, vẫn chứng kiến sự khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc... Đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển BĐS lớn của Việt Nam, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị.

“Điểm nhấn của thị trường trong thời gian qua là vẫn chưa thấy hiện tượng dự án BĐS công bố giảm giá, nhưng lại có hiện tượng tặng quà khủng và khuyến mại lớn ở một số dự án để kích cầu thay vì giảm giá sản phẩm. Trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung và cao cấp gần như không có biến động. Có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Giá đất nền tại các dự án do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên giá loại này có biến động tăng” - ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm.