Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn thực phẩm an toàn cho Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm mang đến cho người tiêu dùng (NTD) Thủ đô nguồn thực phẩm an toàn, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học.

Mới đây, với việc triển khai chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thịt lợn hương chăn nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược, NTD lại có thêm một lựa chọn thực phẩm vừa ngon, vừa sạch.

Đặc sản mới

Một trong những hộ chăn nuôi lợn hương bằng thức ăn thảo dược đầu tiên và quy mô lớn trên địa bàn TP là anh Phùng Ngọc Vĩnh, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Ba năm nay, trang trại Sen Trì của anh Vĩnh đã trở thành điểm đến học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân. Đây cũng là nơi mà nhiều NTD tìm đến để vừa tham quan, vừa "mục sở thị" mô hình nuôi lợn độc đáo, lạ lẫm này.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại trải rộng hơn 5,3ha bạt ngàn cây trái, được quy hoạch thành từng khu trồng lan, cây ăn quả, chăn nuôi, anh Vĩnh chia sẻ, trước đây, gia đình anh chăn nuôi lợn gia công cho Công ty CP. Tuy nhiên, với mong muốn tìm một hướng đi khác biệt giữa cả "rừng" trang trại trên địa bàn TP, đồng thời mang đến cho NTD Thủ đô nguồn thực phẩm đặc sản mới, anh đã mạnh dạn chuyển sang nuôi lợn hương.
Nguồn thực phẩm an toàn cho Thủ đô - Ảnh 1
Lợn hương là một giống lợn có xuất xứ từ vùng Bát Xát (Lào Cai), có ngoại hình gần giống lợn Móng Cái, thân ngắn tròn, chân thon, da dày, thịt chắc và đặc biệt rất thơm, ngon. Anh Vĩnh cho biết, điểm độc đáo nhất của mô hình này là lợn được chăn nuôi bằng thức ăn thảo dược. Theo đó, ngoài chế độ ăn thông thường gồm cám ngô, gạo, anh còn dùng các loại cây, củ thuộc nhóm thảo dược như cây bồ công anh, cây kim ngân, tỏi, nghệ... để cho lợn ăn. Đây không chỉ là nguồn thức ăn thô xanh mà còn trở thành những "vị thuốc" Nam giúp cho đàn lợn nâng cao sức đề kháng, giảm bệnh tật. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi nhiều diện tích trong trang trại được anh Vĩnh trồng các cây thảo dược. Nhờ chế độ dinh dưỡng đặc biệt, đàn lợn của anh lúc nào da dẻ cũng hồng hào, khỏe mạnh.

Do nuôi không sử dụng cám công nghiệp nên phải mất 7 - 8 tháng, lợn hương mới cho xuất chuồng, trọng lượng cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 35 - 40kg/con. Tuy nhiên, bù lại, chất lượng thịt lại rất thơm ngon, thịt chắc và da giòn. Bởi vậy, giá bán lợn hương cao, khoảng 130.000 đồng/kg, cao hơn 2 lần so với lợn chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Hiện nay, trang trại của anh Vĩnh đang nuôi 400 con lợn hương, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 1 - 1,2 tấn thịt hơi. Bước đầu sản phẩm được cung cấp cho chuỗi cửa hàng Mr Sạch, tuy nhiên chưa nhiều NTD Thủ đô biết đến thịt lợn hương nuôi bằng thức ăn thảo dược này.

Sau khi thăm thực tế trang trại Sen Trì, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, lợn hương nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược hoàn toàn khác biệt so với các loại thịt lợn đang bán tại hệ thống siêu thị Fivimart. Theo bà Hậu, chi phí chăn nuôi cao kéo theo giá bán sản phẩm cũng ở mức cao, song đổi lại NTD sẽ được thưởng thức món thịt có hương vị khác lạ so với thực phẩm thông thường. "NTD nào quan tâm tới hương vị, chất lượng, ATTP, sức khỏe cho mình và gia đình thì chắc chắn sẽ không ngần ngại bỏ tiền để mua, sử dụng loại thịt lợn hương nuôi bằng thức ăn thảo dược. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tính toán để đưa vào hệ thống siêu thị sản phẩm này" - bà Hậu chia sẻ.

Kết nối với doanh nghiệp

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) nông nghiệp Hà Nội, hiện nay, sản xuất tại chỗ trên địa bàn TP mới đáp ứng 52% nhu cầu thịt các loại, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, Bắc Giang... Thịt lợn cung cấp cho NTD Hà Nội được vận chuyển thông qua hai hình thức là đã giết mổ hoặc vận chuyển lợn sống sau đó về giết mổ tại các lò mổ trên địa bàn TP. Điều đáng lo ngại, một phần trong số sản phẩm thịt này chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, chăn nuôi hiện nay chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp, các điều kiện vệ sinh thú y, ATTP chưa được kiểm tra chặt chẽ. Hơn nữa, vẫn còn tình trạng thịt lợn kém chất lượng được trà trộn vào một số kênh bán lẻ đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của NTD.

Trước tình hình đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã nỗ lực xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm an toàn. Đặc biệt, mới đây, Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn hương tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất nhằm mang nguồn thực phẩm an toàn này tới nhiều NTD Thủ đô. Để chuỗi liên kết vận hành bền vững, Trung tâm đã mời 2 DN lớn trong lĩnh vực phân phối thực phẩm an toàn trên địa bàn TP tham gia là Công ty CP Nhất Nam và Công ty Thực phẩm sạch BigGreen. Cả hai đơn vị này đều có nhu cầu và bày tỏ mong muốn được liên kết tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở sản xuất thực phẩm sạch của huyện Thạch Thất.

Theo đại diện Công ty CP Nhất Nam, hiện nay, Công ty đang có 22 siêu thị Fivimart phân bố khắp các quận nội thành Hà Nội, bày bán từ 15.000 - 20.000 mặt hàng. Trong đó, rau, củ, quả, thịt cá tươi sống là một trong những mặt hàng chiến lược nhằm mang đến cho NTD Thủ đô sản phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng. Còn đối với Công ty Thực phẩm sạch BigGreen, ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty cho biết, hiện nay, Công ty đang cung cấp ra thị trường 1,7 tạ thịt lợn và 1 tạ thịt gà mỗi ngày. Qua giới thiệu, bước đầu sản phẩm thịt lợn hương được NTD đón nhận rất khả quan. "Tuy nhiên, muốn sản phẩm thịt lợn hương có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, địa phương phải tổ chức sản xuất ổn định, liên tục và đảm bảo tuyệt đối quy trình về ATTP" - ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội cũng cho rằng, để tạo được chuỗi liên kết ổn định là một việc khó cần phải có sự kết nối, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với DN và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, DN giữ vai trò nòng cốt, còn Nhà nước hỗ trợ giám sát quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, mục tiêu của việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thịt lợn hương chăn nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất nhằm tạo ra mô hình điểm vận hành theo chuỗi từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm tới tay NTD. Thành công của chuỗi sẽ là tiền đề mở rộng ra các vùng chăn nuôi khác trên địa bàn TP.

Được biết, tham gia chuỗi liên kết này, các hộ sản xuất sẽ được Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ về kỹ năng liên kết nhóm, tập huấn về sản xuất theo định hướng thị trường và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới. Còn đối với các DN, sẽ được hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm. Ngoài ra, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Sở NN&PTNT như Chi cục Thú y, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và chứng nhận đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Ngoài thịt lợn hương, hiện nay, một số sản phẩm thịt đặc sản vùng cao của Sơn La, Lào Cai và một số tỉnh Tây Bắc cũng được vận chuyển về tiêu thụ tại Hà Nội.