Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn vốn hỗ trợ từ các quận: Phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, 12 quận nội thành đã hỗ trợ các huyện ngoại thành tổng kinh phí trên 633 tỷ đồng. Trợ lực trên không chỉ góp phần quan trọng đưa nhiều địa phương về đích NTM, mà còn tăng cường thêm tình đoàn kết giữa các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.

Trợ lực kịp thời
Đầu năm 2019, người dân thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) vui mừng dự lễ khánh thành nhà văn hóa thôn mới. Công trình được xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng do quận Nam Từ Liêm ủng hộ.
Trước đó, trong năm 2018, quận Nam Từ Liêm cũng đã hỗ trợ địa phương 2 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn Hoàng Kim.
Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Kim Kiều Đức Hạnh cho biết, trước năm 2019, cơ sở vật chất văn hóa là một trong 3 tiêu chí xây dựng NTM mà địa phương chưa đạt. Nhờ sự hỗ trợ lớn của quận Nam Từ Liêm, đến nay, xã Hoàng Kim đã hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Vừa qua, địa phương này đã vinh dự được nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM do UBND TP Hà Nội trao tặng.
 Nhà văn hóa thôn Liên Bu, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) được xây dựng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của quận Đống Đa. Ảnh: Lâm Nguyễn
Xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh là một trong những địa phương được hưởng lợi từ tấm lòng của Nhân dân các quận nội thành trong quá trình xây dựng NTM. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM TP Hà Nội, trong giai đoạn 2011 – 2015, 12 quận nội thành đã hỗ trợ các huyện 95,508 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, các quận tiếp tục hỗ trợ thêm 537,65 tỷ đồng. Theo đó, tổng kinh phí các quận hỗ trợ các huyện thực hiện xây dựng NTM là 633,158 tỷ đồng.
Sử dụng tiết kiệm kinh phí hỗ trợ
“Lá cờ đầu” thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong việc liên kết, hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng NTM là quận Thanh Xuân. Trong những năm qua, địa phương này đã hỗ trợ các huyện tới 244,18 tỷ đồng.
Kế tiếp trong danh sách hỗ trợ lớn nhất là quận Hoàng Mai với 84,337 tỷ đồng; quận Ba Đình 81,115 tỷ đồng; quận Đống Đa 47,62 tỷ đồng; quận Nam Từ Liêm 38,052 tỷ đồng; quận Long Biên 32 tỷ đồng; quận Hà Đông 28,655 tỷ đồng; quận Hai Bà Trưng 25,54 tỷ đồng; quận Hoàn Kiếm 18,344 tỷ đồng; quận Tây Hồ 17,21 tỷ đồng; quận Bắc Từ Liêm 11,241 tỷ đồng; quận Cầu Giấy 4,864 tỷ đồng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, tại các địa phương chưa hoàn thành xây dựng NTM, những tiêu chí khó nhất thường cần nguồn vốn lớn như cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế... Cũng bởi vậy, trợ lực của các quận càng trở lên có ý nghĩa hơn. Từ nguồn vốn do các quận hỗ trợ, hàng trăm công trình đã được xây dựng, góp phần đưa nhiều địa phương về đích NTM.
Kết quả tích cực đạt được đến nay mang dấu ấn to lớn về đường hướng chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu xây dựng NTM của các địa phương, mà còn thắt chặt tình đoàn kết giữa Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.
Để phát huy cao nhất ý nghĩa nguồn vốn hỗ trợ của 12 quận nội thành, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các huyện ngoại thành sử dụng kinh phí bảo đảm đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình xây dựng, cần chú ý đến tiến độ, chất lượng và tính thẩm mỹ của công trình.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh, việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ không hiệu quả sẽ phụ tấm lòng của Nhân dân các quận nội thành. Chính vì vậy, các địa phương cần quan tâm, sử dụng công trình đúng mục đích, ý nghĩa, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân.