Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ có thật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lẽ chưa bao giờ thế giới lại bị ám ảnh bởi "bóng ma" khủng bố như thời điểm hiện nay, khi nguy cơ bị tấn công, đánh bom liều chết, bắt cóc con tin, hành quyết tập thể… diễn ra hàng ngày và ở hầu khắp các khu vực.

Nguy cơ có thật - Ảnh 1
Vụ hành quyết cảnh sát tại Iraq (14/12), bắt cóc con tin tại Australia và Bỉ (15/12), vụ thảm sát tại một trường học ở Pakistan (16/12)… là những dấu hiệu cho thấy, các nhóm cực đoan đã hình thành được "chân rết" ở mọi nơi. Điều này hoàn toàn trái ngược với quyết tâm mà nước Mỹ đưa ra khi phát động cuộc chiến chống khủng bố cách đây 13 năm. Thậm chí, al-Qeada không những không bị tiêu diệt mà các nhánh của tổ chức này còn vươn dài ra khắp nơi từ châu Á, Trung Đông, tới châu Phi, trong khi các vụ tấn công do nhóm này thực hiện đã tăng gấp 3 lần. Ngay cả khi cảnh sát Australia  đang loay hoay với vụ bắt cóc con tin tại một quán cà phê tại Sydney, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn khẳng định cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) đã có những bước tiến quan trọng. Đồng thời, cảnh báo liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu sẽ không cho nhóm này có nơi trú ẩn an toàn và cuối cùng sẽ tiêu diệt hoàn toàn IS.
Ít nhất 126 người đã thiệt mạng, trong đó phần lớn là học sinh bị giết hại khi các phần tử Taliban hôm 16/12 tấn công ngôi trường do quân đội quản lý ở TP Peshawar thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở Tây Bắc Pakistan. Theo đại diện của nhóm này, vụ tấn công được thực hiện nhằm trả đũa việc quân đội Pakistan đang nhắm vào gia đình của chính các phần tử này.

Thế nhưng "mất mạng chỉ vì uống một tách cà phê" là điều mà người dân nước này không thể chấp nhận được sau vụ 2 con tin trong vụ bắt cóc tại Sydney và khiến người dân Australia - một trong những nước đầu tiên tham gia chiến dịch quốc tế chống IS phải đặt câu hỏi về sự lạc quan của liên quân. Sự vụ này một lần nữa cho thấy, IS không những là lực lượng tàn sát dân thường công khai tại Syria, Iraq… mà còn đang ẩn nấp ngay trong lòng các quốc gia ở châu Á như Australia hay châu Âu như Bỉ. Chưa đầy nửa năm sau khi xuất hiện, IS tỏ ra là một tổ chức khủng bố được tổ chức bài bản khi tuyển mộ nhiều công dân phương Tây gia nhập hàng ngũ. Đặc biệt, không giống các tổ chức khủng bố khác, IS còn tỏ ra lợi hại hơn nhiều khi sử dụng các trang mạng xã hội để tuyển mộ và kêu gọi phát động cuộc thánh chiến.

Rõ ràng, chưa bao giờ, cuộc chiến chống khủng bố quy mô lớn lại trở nên cấp bách như hiện nay khi khủng bố đã trở thành nguy cơ có thật ngay tại chính những nước tham gia liên quân quốc tế. Các biện pháp siết chặt an ninh sân bay, cửa khẩu, siết chặt quy định cấp thị thực sẽ chỉ là vô nghĩa khi các phần tử khủng bố hiện diện ngay trong lòng đất nước và sẵn sàng hành động. Cuộc chiến chống khủng bố của liên quân cũng như cộng đồng quốc tế vì thế sẽ trở nên cam go, lâu dài và phức tạp hơn.