Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ dư thừa nguồn cung, giá dầu lao dốc tuần thứ 3 liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hợp đồng dầu đã ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp với dầu WTI giảm 1%, dầu Brent hạ 3,2% do thị trường đang có nguy cơ dư thừa nguồn cung.

Mặc dù giá “vàng đen” phục hồi trong ngày 20/7, song thị trường lao dốc mạnh ngay phiên đầu tuần khiến giá dầu thế giới tiếp tục ghi nhận tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp.
Trong phiên giao dịch ngày 16/7, giá dầu thế giới đồng loạt sụt hơn 4% và dầu Brent chạm mức thấp nhất của 3 tháng khi các cảng của Libya hoạt động trở lại và nguồn cung toàn cầu có thể được bổ sung thêm từ dầu của Nga và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác.
Bên cạnh đó, những lo ngại về tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu.
 Giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chứng kiến xu hướng giảm tốc trong quý II giữa bối cảnh những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế nợ làm tổn thương đến các hoạt động khác, trong khi sản lượng công nghiệp tháng 6 giảm xuống mức thấp của 2 năm do bất đồng  thương mại với Mỹ.
Giá dầu thế giới phục hồi trong 2 phiên liên tiếp ngày 17/7 và 18/7 nhờ sự gián đoạn nguồn cung ở Venezuela và dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm.
Báo cáo công bố ngày 18/7 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng của nước này đã giảm 3,2 triệu thùng vào tuần kết thúc hôm 13/7.
Sang phiên 19/7, giá dầu WTI tiếp tục khởi sắc chủ yếu sau khi một quan chức Ả Rập Saudi nói rằng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của nước này có thể sẽ giảm trong tháng 8 tới trong một nỗ lực tránh tình trạng dư cung trên thị trường. Tuy nhiên, dầu Brent lại suy yếu khi một cuộc đình công của công nhân dầu mỏ tại Na Uy kết thúc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, các hợp đồng dầu thô tương lai tăng giá nhờ được hỗ trợ từ thông tin cho biết Ả Rập Saudi có thể sẽ cắt giảm kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 tới, làm dịu bớt lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường.
Thống đốc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) của Ả Rập Saudi, ông Adeeb al-Aama ngày 19/7 thông báo nước này dự báo giảm xuất khẩu khoảng 100.000 thùng/ngày trong tháng 8 do sản xuất đạt giới hạn. Ông cho rằng lo ngại Ả Rập Saudi cùng các đồng minh tăng sản lượng gây dư cung thị trường là “không có cơ sở”.
Chốt phiên giao dịch này, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex tiến 79 xu Mỹ lên 70,25 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất trong 1 tuần, nhưng vẫn hạ 1% trong tuần qua để đánh đấu tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 9 nhích 10 xu Mỹ lên 68,34 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn London tăng 34 xu Mỹ lên 72,92 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 3,2% và giảm 3 tuần liền.
Trong phiên này, giá dầu cũng được thúc đẩy nhờ đồng USD mất giá, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích chiến lược tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tuần qua, dầu WTI giảm 1%, dầu Brent hạ 3,2% do thị trường đang có nguy cơ dư thừa nguồn cung.
Ông Trump cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đồng USD mất giá khiến các hàng hóa yết bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn với các người mua nước ngoài.
Tyler Richey, đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Bất chấp đà suy yếu và biến động gần đây trên thị trường năng lượng, xu thế dài hạn vẫn ủng hộ đà tăng, mặc dù trường hợp của dầu WTI thuận lợi hơn so với dầu Brent trên các biểu đồ khi chỉ mới chạm đáy 3 tháng trong tuần này”.
Giá năng lượng dường như không thay đổi sau khi dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ mất 5 giàn trong tuần này còn 858 giàn.
Tuy nhiên, các hợp đồng dầu đã ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp do những lo ngại về chiến tranh thương mại mới nổi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng áp thuế nhập khẩu lên 505 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm ngoái, tổng trị giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 505 tỷ USD.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng việc leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có ảnh hưởng không nhỏ đển thị trường dầu toàn cầu.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại nhận định, bất chấp sự suy yếu và biến động gần đây trên thị trường năng lượng, xu hướng về dài hạn vẫn nghiêng về đà tăng. Tính trong 12 tháng qua, giá dầu ngọt nhẹ đã tăng 45%, còn giá dầu Brent nhích 48%.
Mihir Kapadia, Giám đốc điều hành và là Nhà sáng lập tại Sun Global Investments, chia sẻ: “Tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường dầu mỏ, chủ yếu do những lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với triển vọng về nhu cầu dầu mỏ”.