Đây là cảnh báo được nêu ra tại Hội thảo Công bố báo cáo nghiên cứu "Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ" diễn ra ngày 3/6, tại Hà Nội. Nghiên cứu này được Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã Hội Việt Nam) thực hiện, với sự hỗ trợ của Chính phủ và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tiến hành trong suốt 1 năm thu thập số liệu và phân tích.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, với những thành tựu đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, Việt Nam đang trên đường chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế đa dạng và hội nhập toàn cầu. Báo cáo toàn diện đầu tiên phân tích nền kinh tế thông qua lăng kính giới cũng chỉ ra rằng, mặc dù phụ nữ đang góp phần lớn trong phát triển kinh tế, nhưng việc đạt được mô hình tăng trưởng bao trùm là một thách thức với Việt Nam. Nghiên cứu cảnh báo nếu những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân bổ không đều và quản lý không tốt, quá trình hội nhập có thể duy trì sự tách biệt về giới trên thị trường lao động, làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của lao động nữ và duy trì khoảng cách tiền lương giữa hai giới. Phát biểu tại Hội thảo, bà Shoko Ishikawwa - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam nhận định: Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam chưa chú ý đến việc đảm bảo quyền của phụ nữ được hưởng bình đẳng từ sự phát triển và nếu các chính sách ưu tiên hiện nay không được xem xét lại và cải cách từ góc độ giới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ có thể bỏ phụ nữ lại phía sau. Ưu tiên bình đẳng giới cần phải đặt ở trung tâm của các chính sách phát triển và đầu tư cho phụ nữ là đầu tư vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, điều này được phản ánh trong nhiều văn bản luật của Nhà nước, thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và nhiều chính sách hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm. “Mục tiêu bao trùm của nghiên cứu này là để kiểm chứng về những cam kết của Việt Nam về bình đẳng giới được phản ánh như thế nào trong cải cách kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế quốc gia, và liệu những cải cách kinh tế và mô hình kinh tế này có thể thúc đẩy bình đẳng giới hiệu quả hơn hay không" - bà Anh chia sẻ. Từ thực tế trong báo cáo phân tích đòi hỏi cần có các chính sách bổ trợ và chuyên biệt để đảm bảo rằng phụ nữ có thể gặt hái được đầy đủ những lợi ích của các cơ hội kinh tế mới. Chỉ có một mô hình tăng trưởng kinh tế thực sự toàn diện mới có thể tạo nền tảng để hiện thực hóa đầy đủ quyền của phụ nữ và nam giới.
Quang cảnh hội thảo. |
Theo số liệu điều tra Mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2008, trong số những người được hỏi về làm việc nhà, phụ nữ trả lời sử dụng khoảng 132 phút mỗi ngày để làm việc nhà trong khi nam giới là 90 phút. Ở cả khu vực đô thị và nông thôn, phụ nữ làm nhiều việc nhà hơn so với nam giới. Sự khác biệt giới trong đảm nhận công việc gia đình bắt đầu rất sớm, 11 - 14 tuổi, hơn một nửa số trẻ em gái đã tham gia vào việc nội trợ gia đình trong khi 2/3 số trẻ em trai không phải làm bất cứ việc nội trợ nào. Các cuộc điều tra quy mô nhỏ cũng cho thấy phụ nữ Việt Nam làm việc nhà nhiều gấp đôi đến 3 lần so với nam giới. |