Trong khi đó, những người nhìn bề ngoài khỏe mạnh và có vóc dáng mảnh mai cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột cao bởi nồng độ insulin trong cơ thể của họ cao hơn mức bình thường. Lượng insulin bất thường liên quan tới nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột dù bạn có bị thừa cân hay không.
Các phát hiện cho thấy rằng việc đo nồng độ trong máu của các hormone có thể giúp xác định ai là những người có nguy cơ mắc căn bệnh này nhiều nhất, giúp tăng khả năng chẩn đoán và điều trị sớm. Những người gầy, nhìn bề ngoài khỏe mạnh nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột cao vì nồng độ insulin ở họ tăng cao hơn mức bình thường.
"Nồng độ insulin cao thường xuất hiện ở những người béo phì nhưng thấp hơn ở những người gầy. Chúng tôi không biết lý do tại sao những người gầy thường có nồng độ insulin cao hơn, có thể do ăn uống không đầy đủ hoặc thường xuyên ngồi một chỗ. Đo nồng độ insulin có thể được đi kèm với chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể) là một công cụ mới đánh giá nguy cơ ung thư ruột để xác định những người đang có nguy cơ lớn nhất mắc căn bệnh này, từ đó theo dõi nhiều hơn", tiến sĩ Marc Gunter cho biết.
Ung thư ruột là bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở Anh và giết chết hơn 16.000 người Anh mỗi năm. Các chuyên gia ước tính rằng gần một nửa số trường hợp mắc bệnh này ở Anh có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh. Nghiên cứu thuộc Dự án điều tra ung thư và dinh dưỡng của châu Âu trong tương lai (EPIC), đã dựa trên 737 người đang mắc bệnh ung thư ruột và cùng một số người không mắc bệnh. Tất cả đều được kiểm tra nồng độ insulin, C-peptide trong máu. Kết quả được công bố trên tạp chí Public Library of Science Medicine.
Tiến sĩ Panagiota Mitrou, làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, cho biết: "Những phát hiện mới thú vị cho phép chúng ta xác định nhóm người có nguy cơ lớn nhất bị bệnh ung thư ruột. Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên rất quan trọng. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột cùng nhiều bệnh ung thư khác. Đo lường mức độ insulin có thể được sử dụng cùng với chỉ số BMI như một công cụ mới để đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột và xác định những người có nguy cơ cao mắc căn bệnh này".
Gail Curry, chủ nhiệm cơ quan Nâng cao sức khỏe và tập luyện cho bệnh nhân mắc ung thư ruột tại Anh, cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh các nghiên cứu giúp chúng ta hiểu hơn về căn bệnh có thể phòng ngừa này. Những nghiên cứu này sẽ đưa ra thêm các bằng chứng cho thấy một chế độ ăn uống lành mạnh và vận động cơ thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột. Chẩn đoán sớm cũng là chìa khóa để cứu sống những bệnh nhân mắc bệnh ung thư ruột, và mọi người cần phải chú ý các triệu chứng của bệnh như chảy máu, thay đổi trong thói quen đi tiêu, giảm cân đột ngột, đau bụng, xuất hiện cục u và cực kỳ mệt mỏi".
Tiến sĩ Helen Webberley, bác sỹ của Trung tâm Oxford Online Pharmacy, nói thêm: "Bệnh ung thư nào cũng có cơ hội chữa trị khả quan hơn nếu được phát hiện sớm, vì vậy bạn không nên bỏ qua bất kỳ sự thay đổi bên ngoài ở ruột hoặc tần suất hoạt động. Đây không phải là chủ đề dễ thổ lộ, nhưng đừng chết vì xấu hổ”.