Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, thực phẩm dự trữ lâu ngày tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Nguy cơ…
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán vừa qua, các bệnh viện (BV) đã tiếp nhận khám cho hơn 1.000 người bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và rượu, trong đó có một trường hợp tử vong tại BV Đa khoa tỉnh Hưng Yên vì ngộ độc thuốc diệt cỏ. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) lo ngại, chính thói quen tích trữ thực phẩm để ăn Tết rồi cố sử dụng nốt sẽ khiến số người mắc rối loạn tiêu hóa, ngộ độc tăng lên. Cùng với đó, việc để lẫn thức ăn sống – chín trong tủ lạnh đã có nguy cơ nhiễm khuẩn, thực phẩm lại bảo quản lâu ngày càng có nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cao hơn. Hơn nữa, thời tiết trong những ngày Tết Đinh Dậu vừa qua nắng ấm, độ ẩm cao, khiến thực phẩm dễ ẩm, mốc nếu không được bảo quản đúng cách.
Không nên dự trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh, vì thức ăn để lâu rất dễ bị quá hạn hoặc ôi thiu. Ảnh: Trang Thu |
Như trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thu Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội), trong những ngày nghỉ Tết, gia đình chị thường xuyên tổ chức gặp mặt anh em bạn bè để ăn uống nên chị Hiền mua một lượng thực phẩm khá lớn. Sau bữa ăn trưa ngày Mùng 2 Tết, thức ăn còn thừa chị để lại nhưng chỉ đậy lồng bàn để bên ngoài mà không cất vào tủ lạnh. Đến gần đêm, khi con trai chị Hiền đi chơi về do không biết nên đã ăn những món ăn đó. Khoảng một giờ sau, cậu bé đã có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài và phải đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là do thức ăn đã nhiễm vi khuẩn E.coli.
Sử dụng thực phẩm khoa học
Để phòng chống ngộ độc thực phẩm sau Tết, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần mạnh dạn loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, thịt đông, những đồ chứa nhiều gia vị, đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần. Với bánh chưng, ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm - Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên vì “tiếc của” mà cố ăn những chiếc bánh đã bị mốc. “Kể cả khi loại bỏ những phần mốc của bánh, nhưng phần còn lại của bánh chưng cũng không an toàn với người sử dụng” - ông Hùng nói.
Đặc biệt, theo ông Lâm Quốc Hùng, khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh người dân nên chứa thực phẩm trong các dụng cụ chứa đựng riêng biệt có nắp đậy hoặc túi nilon sạch. Thực phẩm để trên ngăn đá hoặc tủ đông khi muốn rã đông để chế biến nếu có thời gian nên để xuống ngăn mát sau đó để ra ngoài nhiệt độ thường. Nếu muốn chế biến ngay thì có thể sử dụng chế độ rã đông của lò vi sóng. Đối với thức ăn được nấu chín để trong tủ lạnh, cần phải được nấu sôi lại để diệt hết vi khuẩn. Bởi lẽ, việc hâm nóng thức ăn khó đảm bảo đủ nhiệt độ tiêu diệt vi trùng nếu không sử dụng nhiệt độ phù hợp với từng loại thức ăn. Ngoài ra, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người dân không nên để thức ăn sống quá lâu trong tủ lạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu, đặc biệt là thức ăn chín sẽ làm biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hòa tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông - rã đông đều giảm 20%.