Nỗ lực ứng phó hạn hán, thiếu nước
Trong tháng 3/2023, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thiếu nước cho 100ha lúa ở huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương). Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước mở rộng tại tỉnh Hưng Yên. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nước bị ô nhiễm, không đủ chất lượng để tưới, và tình trạng thiếu hụt lượng mưa trong tháng 2, 3/2023.
Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi thuộc hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đã phải tăng cường các giải pháp bơm tiếp nguồn nước, lợi dụng thủy triều lấy nước ngược và lắp đặt các trạm bơm dã chiến để ứng phó. Nhờ đó, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước được hạn chế đáng kể.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, từ đầu tháng 3/2023, nguồn nước sông Lam xuống thấp đã gây hạn hán, thiếu nước cho khoảng 1.100ha lúa ở tỉnh Nghệ An. Hồ chứa thủy điện Bản Vẽ phải tăng lưu lượng xả để bổ sung dòng chảy, bảo đảm phục vụ vận hành công trình thủy lợi. Giải pháp phát huy tác dụng, giúp các diện tích thiếu nước được ứng cứu kịp thời, không gây thiệt hại lớn.
Trong khi đó tại các huyện Đak Đoa, Krông Pa, Mang Yang và Chư Sê thuộc tỉnh Gia Lai, ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay, thời tiết xuất hiện nắng nóng kéo dài, lượng mưa thiếu hụt, dẫn đến thiếu nước canh tác cho khoảng 497ha lúa và 26ha cây công nghiệp, chủ yếu nằm ngoài vùng tưới các công trình thủy lợi. Các địa phương đã kết hợp nhiều biện pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 4 - 9/2023, tổng lượng mưa tại các tỉnh, TP ở Bắc Bộ sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5 - 15%. Từ tháng 4 - 6/2023, dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt từ 10 - 60% so với TBNN; trong khi ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên nhiều khả năng thấp hơn TBNN từ 10 - 50%.
Từ tháng 7 - 9/2023, dòng chảy sông, suối tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 10 - 30% so với TBNN; trong khi ở Trung Bộ và vùng phía Bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 15 - 70%. Điều này khiến nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương.
Linh hoạt bố trí mùa vụ sản xuất
Trước nguy cơ dòng chảy thiếu hụt, Cục Thuỷ lợi nhận định tại khu vực Bắc Trung Bộ, trong vụ Hè Thu và vụ Mùa 2023, thời điểm cao điểm mùa khô, nếu nắng nóng kéo dài, một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước. Các địa phương cần sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó cho 7.500 - 10.000ha canh tác, tập trung tại các tỉnh: Thanh Hóa 2.000 - 3.000ha, Nghệ An 4.000 - 5.000ha, Quảng Trị 1.000ha…
Tại khu vực Nam Trung Bộ, vụ Hè Thu 2023, có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn vào giai đoạn tháng 7, 8/2023, với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 3.000 - 3.500ha, chủ yếu tại các tỉnh Quảng Nam (2.500ha), Phú Yên (500 - 800ha) và Ninh Thuận (100 - 200ha).
Trong khi đó tại khu vực Tây Nguyên, nguồn nước cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Mùa 2023. Tuy nhiên, trong trường hợp mùa mưa đến muộn, có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cho khoảng 1.000ha vùng ngoài công trình thủy lợi cấp nước tưới.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong điều kiện nguồn nước có nguy cơ thiếu hụt, các tỉnh, TP đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Các địa phương đã linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa; thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi; tổ chức vận hành, giám sát việc vận hành, điều tiết nguồn nước của các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện để đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Bên cạnh đó là tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa, cây trồng cạn. Phân phối nguồn nước trong công trình thủy lợi hợp lý…
Cục trưởng Cục Thuỷ lợi Nguyễn Tùng Phong cho biết, trung tuần tháng 3/2023, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 1416/CT-BNN-TL về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023. Trong đó, Cục giao các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ sự nghiệp công về dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước, phục vụ chỉ đạo điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trên các lưu vực sông.
“Các thông tin về nguồn nước thường xuyên được cập nhật và gửi đến các địa phương làm cơ sở tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn, ngập lụt, úng. Cục Thủy lợi sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm kê và dự báo tình hình nguồn nước, kịp thời tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với hạn hán, thiếu nước…” - Cục trưởng Cục Thuỷ lợi Nguyễn Tùng Phong.