Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT – TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho rằng, một trong những tai họa tiềm tàng chính là nước sẽ làm kiệt quệ các nguồn tài chính

KTĐT – TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho rằng, một trong những tai họa tiềm tàng chính là nước sẽ làm kiệt quệ các nguồn tài chính với tốc độ chóng mặt.

Ngốn tiền như nước

Theo Bộ NN&PTNT, các địa phương vừa đề nghị trung ương hỗ trợ 350 tỷ đồng (trong đó vùng duyên hải Nam Trung Bộ xin 120 tỷ đồng, vùng Bắc Trung Bộ 230 tỷ đồng) để nạo vét kênh mương, bơm tát nước và mua giống cây trồng ứng phó với tình trạng khô hạn.

TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tính toán: Nếu tính các chi phí tức thời khác như xử lý nước bẩn thành nước sạch, cung cấp đủ nước sạch cho các vùng thiếu nước, chi phí cho phòng chống bệnh tật mà cụ thể là bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát tại miền Trung do thiếu nước, thiệt hại do các nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, kinh phí phải là hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nếu tính các chi phí lâu dài khác để giúp điều tiết nước thừa rất nhiều vào mùa mưa cho mùa khô ngày càng khan hiếm, như trồng và bảo vệ rừng, tái quy hoạch hồ chứa, tái quy hoạch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khu dân cư, vẫn theo TS Sinh, phải mất hàng trăm ngàn tỷ đồng nữa.

Chỉ riêng Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, bảo đảm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, kinh phí đã hơn 3.000 tỷ đồng dự kiến từ nay đến năm 2020.

Không còn là quốc gia giàu có về nước

Không cần nghĩ lâu, hầu như ai cũng bảo Việt Nam phải dồi dào về nước. Lượng nước bình quân đầu người cả nước khoảng 10.000m3/năm (lấy tròn số), hơn gấp đôi so với mức bình quân thế giới (trên 4.000m3/năm). Nếu chấp nhận ước tính tổng lượng nước các sông Việt Nam lên đến 843 tỷ m3/năm, lượng nước bình quân đầu người ở nước ta còn cao hơn.

Tại một hội nghị đầu năm 2010, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai lạc quan đưa ra con số mức bình quân đầu người 11.000 m3 nước/năm. Còn tại Hội nghị lần thứ 78 của Hội Đập lớn Thế giới tổ chức ở Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, tiềm năng thủy điện nước ta không dưới 85.000 GW/năm, một tiềm năng khổng lồ.

Nếu chấp nhận một ước tính lạc quan hơn, tiềm năng dòng chảy nước ta lên đến 880 tỷ m3/năm, thay vì chỉ 843 tỷ m3/năm như nêu trên. Tuy nhiên, dù lạc quan đến thế, khi so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam hóa ra cũng chỉ được xếp vào nhóm quốc gia “tương đối dồi dào”.

Dù chỉ có tiềm năng dòng chảy trung bình, Việt Nam lâu nay vẫn được xếp vào nhóm quốc gia giàu có về tài nguyên nước. Nhưng thật bất ngờ, nhân Ngày Nước Thế giới, 22-3-2007, Việt Nam chính thức bị loại khỏi danh sách này, trở thành quốc gia có nguy cơ khan hiếm nước trầm trọng. Ba năm qua - thiếu hụt nguồn nước ngày càng trầm trọng xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực – là ba năm kiểm chứng xếp hạng của quốc tế đối với Việt Nam là phù hợp thực tế.

Chỉ riêng lĩnh vực nước sinh hoạt, theo báo cáo của Dự án quốc gia “Đánh giá ngành nước Việt Nam”, hiện có tới 8,5 triệu dân đô thị chưa có cơ hội dùng nước sạch, 21 triệu dân nông thôn còn xa lạ với khái niệm “nước hợp vệ sinh” và 41 triệu người khác được cấp nước nhưng chất lượng nguồn nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.