Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ ùn tắc giao thông cuối năm: Không quyết liệt, khó thông đường

Ngọc Hải - Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sắp bước vào dịp cao điểm cuối năm, ùn tắc giao thông (UTGT) có nguy cơ xảy ra trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là quanh các bến xe lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này là vi phạm của xe khách liên tỉnh (XKLT), xe khách “trá hình” vẫn tái diễn qua mỗi kỳ nghỉ lễ.
Vòng luẩn quẩn

Nhiều năm qua, những vi phạm của XKLT như dừng đỗ, đón trả khách sai quy định; đi sai luồng tuyến; lê la “rùa bò”; nhồi nhét; thu quá giá vé... đã được hạn chế đáng kể. Không thể phủ nhận một thực tế, dù đã rất nỗ lực, nhưng lực lượng chức năng của Hà Nội vẫn chưa thể triệt tận gốc "căn bệnh" mãn tính này. Gần đây, lực lượng chức năng lại phải gồng mình chống chọi với hàng nghìn chiếc xe khách “trá hình”, mượn danh xe hợp đồng để vận chuyển khách liên tỉnh.
 Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra hành chính xe khách trên đường Thăng Long - Nội Bài.  Ảnh:  Quỳnh Linh
Chuyên gia giao thông Nguyễn Đình Chiển nhìn nhận: “XKLT rõ ràng là không cạnh tranh nổi với xe khách trá hình, lượng hành khách tìm đến các bến xe giảm mạnh. Lâm vào khó khăn, XKLT lại càng sinh ra lê la, dừng đỗ tùy tiện, “vợt” khách ở bất cứ đâu, gây mất trật tự, ATGT”. Bên cạnh đó, không ít tụ điểm xe khách “trá hình” đang tập trung quanh các bến xe lớn của TP. Những tuyến đường như: Giải Phóng, Kim Đồng, Phạm Hùng, Vành đai 3, Pháp Vân... vì vậy mà ngày càng trở nên ngột ngạt, bế tắc.

Các chuyên gia cho rằng, vấn nạn xe kinh doanh vận tải khách dừng đỗ tùy tiện khắp nơi đón trả khách, từ lâu đã không dễ giải quyết. Dịp cao điểm Tết, UTGT lại càng có nguy cơ gia tăng mạnh mẽ, lan tỏa từ cửa ngõ vào đến trung tâm, khiến cả hệ thống giao thông của TP trở nên nặng nề, ì ạch. Nếu lực lượng chức năng không quyết liệt với vi phạm, dịp Tết Dương lịch, Tết Âm lịch sắp tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phải đối diện với vấn nạn này.

Vẫn nhiều khó khăn

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND TP, Ban ATGT TP Hà Nội, các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra GTVT đã xây dựng kế hoạch ứng trực, điều tiết giao thông, xử lý vi phạm trong dịp cao điểm cuối năm 2018. Khác với mọi năm, hiện nay, các tuyến đường: Giải Phóng, Kim Đồng, Phạm Hùng, đoạn quanh các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình... đã có hệ thống camera giám sát giao thông. Vấn đề chỉ là hiệu quả xử lý vi phạm của lực lượng chức năng đến đâu.

 Công ty CP Bến xe Hà Nội dự kiến tăng thêm 3.200 lượt xe để giải tỏa khách trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi. Cụ thể, Bến xe Giáp Bát thêm 1.120 lượt xe/ngày; Bến xe Mỹ Đình tăng hơn 1.200 lượt xe/ngày; Bến Gia Lâm tăng 870 lượt xe/ngày.

Có thể thấy, thời gian qua, dù có camera giám sát, phục vụ xử phạt nguội nhưng tình trạng xe khách “rùa bò”, dừng đỗ tùy tiện tại các khu vực nêu trên vẫn còn diễn biến phức tạp. Số liệu xử phạt của lực lượng chức năng cũng lên đến con số hàng vạn trường hợp, nhưng vẫn không dứt điểm được hiện tượng XKLT vi phạm luật giao thông. Bên cạnh đó, Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ - CP về điều kiện kinh doanh vận tải vẫn chưa được hoàn thiện, áp dụng. Đây là hạn chế rất lớn khiến việc quản lý, xử lý vi phạm của xe khách đội lốt xe hợp đồng vẫn vô cùng khó khăn.

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang cho biết, đơn vị đã có kế hoạch cụ thể ứng phó với đợt cao điểm giao thông dịp cuối năm. Cụ thể, tại các vị trí thường xuyên xảy ra UTGT, vào giờ cao điểm, bố trí 45 chốt, huy động 62 người/ca trực. Tại khu vực các bến xe khách liên tỉnh như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm... Thanh tra GTVT cũng bố trí 8 chốt, huy động 12 người/ca trực; từ 7 giờ - 18 giờ 30 hàng ngày. Tuy nhiên, nếu phối hợp không tốt, không đồng bộ với CSGT, CSTT thì công tác xử lý vi phạm sẽ khó lòng đạt hiệu quả như mong muốn.

Tăng cường xử lý vi phạm

Cục CSGT (Bộ Công an) vừa có văn bản chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc mở cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội đầu Xuân 2019.

Theo đó, Cục CSGT yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT; tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, UTGT. Trong đó, đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe container, xe xitec (chở xăng dầu), vận tải hàng hóa, xe mô tô. Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, Cục CSGT yêu cầu các đơn vị tập trung lực lượng phối hợp với chính quyền, công an các địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường sắt; kiến nghị với các cơ quan chức năng có các giải pháp phòng ngừa TNGT đường sắt tại các đường ngang thường xảy ra tai nạn.

Trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, Cục CSGT yêu cầu lực lượng Cảnh sát đường thủy tập trung kiểm tra các phương tiện chở khách ngang, dọc sông và các cảng, bến trái phép, không đủ điều kiện hoạt động, các đối tượng vận tải hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Cũng theo Cục CSGT, để đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội đầu Xuân 2019, bắt đầu từ 16/12/2018 đến 20/2/2019, trên tuyến QL 1A, Cục CSGT thành lập 5 cụm công tác, tăng cường cán bộ và trực tiếp chỉ huy CSGT các địa phương để thực hiện cao điểm.