“Bãi tắm sông” - địa điểm thu hút con trẻ Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại tuyến đê bờ kè sông Hồng, đoạn ven xã Liên Hà - Liên Hồng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), mỗi buổi chiều có hàng trăm người dân ra đây tắm, khiến bờ sông Hồng giống như một bãi biển nhỏ giữa lòng Thủ đô. Sở dĩ, nhiều người gọi đây là “bãi tắm” vì nơi đây lọt thỏm ở một góc nhỏ nơi bãi bồi, hoàn toàn hòa với thiên nhiên tạo ra không gian rất lý tưởng để “trốn” cái nắng bỏng rát của mùa hè.
Chị Quyên (xã Liên Hà, Đan Phượng) chia sẻ: "Từ đầu hè đến nay, mỗi ngày có hàng trăm người dân đến “bãi tắm”. Người tắm đông nghịt chẳng khác gì đi tắm ở bãi biển. Tuy ở sát “bãi tắm” thiên nhiên từ lâu nhưng gần đây, tôi mới đến bãi tắm này. Quả thật, đến đây cảm giác thật thỏa mái, khác lạ. Tôi nghĩ, những người dân có thu nhập thấp như chúng tôi, đâu cần phải đi đâu xa mà vẫn được “nghỉ mát” vào mỗi dịp hè".
Anh Văn Công (Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Đợt này hai cháu nhà tôi được nghỉ hè nên tôi cho về đây để nó hít thở không khí trong lành và đi bơi. Bình thường, các cháu ở trong nội thành, mỗi cháu đến bể bơi mất hơn 100 nghìn đồng/buổi, nếu nộp cả tháng thì cũng mất khoảng 2 triệu đồng... Khi cho các cháu đi tắm, tôi vẫn bắt các cháu mặc áo phao đầy đủ và luôn ở bên theo dõi, phòng trường hợp không may”. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảnh giác cao như anh Công. Trong số những người đã và đang đến đây, vẫn có nhiều phụ huynh chủ quan để các con của mình vui đùa thoải mái dưới lòng sông, thậm chí bơi ra rất xa bờ mà không kèm cặp ở bên.
“Các cháu mặc áo phao chưa chắc đã an toàn. Lúc đang bơi có rất nhiều rủi ro, mà đơn giản nhất là lỡ may xảy ra chuột rút, hoặc cảm lạnh. Chưa nói nước sông chảy mạnh có thể cuốn người đi rất nhanh. Ngay cả người lớn bơi rất giỏi, nếu rơi vào trường hợp này cũng đã rất nguy hiểm chứ đừng nói trẻ em. Không ít người tắm ở sông Hồng đã mất mạng vì điều này… Bố mẹ đưa các cháu ra sông tắm và theo dõi, nhưng không phải lúc nào cũng có thể kè kè cầm tay các cháu”, bác Châu cảnh báo. Cùng quan điểm với bác Châu, anh Nam Phong (Liên Mạc, Bắc Từ Liêm), một người thường xuyên tắm ở khu vực bãi tắm sông Hồng cho rằng, cho các em nhỏ đi tắm ở đây là quá nguy hiểm kể cả có áo phao, bởi sông nước có nhiều điều khó lường. Vẫn có nhiều đoạn bờ sông có cát bồi cao trên bờ kè nhưng bị sạt lở. Chỉ cần một phút sơ sẩy là nguy hiểm khôn lường vì nước sông Hồng đoạn này khá rộng và sâu.
Theo quan sát của phóng viên, dù bãi tắm đã có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng biển báo đã bị gỗ của làng nghề mộc Liên Hà che khuất tầm nhìn. Tại đây, vẫn tập trung rất đông người, có cả người già, trẻ nhỏ. Cũng giống như nhiều bãi tắm tự phát khác, khu vực này hoàn toàn không bán đồ bảo hộ, các thiết bị cứu hộ cũng không được coi trọng. Nhiều người thậm chí chỉ mang theo vài chiếc phao bơi, những vật “cứu sinh” hết sức thô sơ. Khu vực người dân bơi lội này khá vắng vẻ, xa trung tâm, lại nằm trên vùng đất có nhiều cát nên nguy cơ sạt lở hoàn toàn có thể xảy ra. Theo anh Gia Minh, một giáo viên dạy bơi ở Cầu Giấy, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất vẫn là sự quản lý chặt chẽ của gia đình và có một khu bơi lội lành mạnh, thiết thực cho các em trong những ngày hè nóng nực. Việc trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội, ứng phó khi có tai nạn xảy ra là vô cùng cấp thiết, cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Theo đại diện chuyên gia xã hội học, tắm mát là nhu cầu thiết yếu của con người, nhất là thời điểm nắng nóng. Những bãi tắm hoang sơ, gần gũi thiên nhiên luôn là sự lựa chọn hàng đầu của mỗi người. Tuy nhiên, với những bãi tắm hoang sơ kiểu này thì độ mất an toàn khá cao, người dân nên thận trọng. Đặc biệt, với các em nhỏ, có thể có cả bố mẹ đi cùng nhưng do các em còn quá bé nên sẽ không xử lý tình huống bất ngờ một cách tốt nhất có thể. Bởi vậy, để có một mùa hè thực sự ý nghĩa, nhiều niềm vui với những bãi tắm như thế này, cha mẹ cần lưu ý trang bị áo, phao bơi đầy đủ và thường xuyên canh chừng con, không để các bé vui chơi một mình.
“Bãi tắm” thiên nhiên giữa Thủ đô ngày càng thu hút người dân. |
Từ đầu hè đến nay, ngày nào anh Trần Trọng Song (Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội) cũng đưa con trai 7 tuổi đến đây tập bơi. Anh Song cho biết: “Mấy năm nay, cứ vào dịp hè, tôi lại cho con ra đây tập bơi, vừa là “giải nhiệt” những ngày hè oi bức, vừa dạy kỹ sống cho con.” “Bên cạnh kỹ năng bơi lội, tôi còn dạy cho con trai kỹ năng cứu người đuối nước. Bởi thực tế, nhiều trẻ sau khi cứu được bạn mình lên bờ nhưng không biết xử lý thế nào khiến bạn có thể chết vì ngạt nước", anh Song chia sẻ thêm. Việc tắm sông thậm chí đã trở thành thói quen của nhiều em nhỏ. Trong đó, có những em nhỏ chỉ khoảng 2-4 tuổi cũng được bố mẹ đưa đi tắm ở đây. Do ý thức được nguy hiểm của việc tắm sông nên nhiều phụ huynh trang bị áo phao cứu sinh cho con em mình khi tắm. Nhiều người cũng không quên để mắt, bám sát con em mình để phòng rủi ro.
Nhiều phụ huynh tranh thủ tập bơi cùng con khi đi tắm tại đây. |
Vô tình đùa với tử thần Là địa điểm thư giãn, giải nhiệt lý tưởng nhưng bãi tắm này vẫn tiềm ẩn những mối nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ. Được biết, cũng đã từng có nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước ở đây nhưng vì sức hấp dẫn đặc biệt của bãi tắm mà người dân vẫn không thể rời xa. Bác Châu (56 tuổi, Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội), người có kinh nghiệm gần 30 năm làm nghề thuyền chài trên sông Hồng cho rằng, việc ra tắm ở bờ sông, đặc biệt là trẻ nhỏ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng dù được trang bị áo phao cứu sinh.
Đơn thuần chỉ là chiếc áo phao cứu sinh như thế này. |
Nhiều phụ huynh chỉ đứng "trông" con em mình ở trên bờ. |
Dù bãi tắm đã có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng tại đây, vẫn tập trung rất đông người, có cả người già, trẻ nhỏ. Biển báo đã bị gỗ của làng nghề mộc Liên Hà che khuất. |