Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hiểm sốc phản vệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng bệnh nhân bị sốc phản vệ ngày càng nhiều, nhiều cái chết đến bất ngờ, chỉ trong vòng mấy phút.

Nếu được cấp cứu kịp thời, 80 - 90% bệnh nhân sốc phản vệ sẽ được cứu sống. Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã ban hành phác đồ cấp cứu mới, hiện đang chờ Bộ Y tế phê duyệt, với hy vọng cứu sống nhiều trường hợp “ngàn cân treo sợi tóc”.

Những cái chết bất ngờ

Tại hội thảo khoa học về hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 14 – 15/4 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, trước đây, mỗi năm, BV Bạch Mai chỉ gặp vài trường hợp sốc phản vệ thì nay hầu như ngày nào cũng có ca cấp cứu. Trên thực tế, có những bệnh nhân chỉ uống một viên thuốc hoặc bị dị ứng một loại thức ăn nào đó cũng bị sốc phản vệ.
Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai.
Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai.
Chia sẻ câu chuyện về một bác sĩ nội trú không may qua đời vì sốc phản vệ, PGS.TS Nguyễn Gia Bình đã không giấu nổi sự nuối tiếc, vì nếu biết, cấp cứu ngay thì vẫn có cơ hội cứu được. “Trường hợp bác sĩ này bị nhiễm lao từ bệnh nhân; mắc bệnh lao nên việc chỉ định dùng thuốc lao là đúng, trong đó có tiêm Streptomycin. Trước đó, bệnh nhân đã được thử test sau một vài phút tiêm không có vấn đề gì. Tuy nhiên, điều dưỡng quay đi làm việc khác, quay lại mấy phút thì người bác sĩ này đã ngừng tim, cấp cứu không có tác dụng” - BS Bình kể.

Cũng theo PGS.TS Bình, mấy năm trở lại đây, tình trạng dị ứng, sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn, diễn biến nguy hiểm hơn... do bệnh nhân sử dụng nhiều thiết bị y tế, nhu cầu can thiệp để làm đẹp của chị em nhiều hơn. Khi xảy ra sốc phản vệ chỉ cho phép xử lý cấp cứu trong vòng 10 giây, nếu chậm bệnh nhân sẽ tử vong. Biểu hiện sốc phản vệ cho đến bây giờ không có dấu hiệu báo trước. Các tình huống sốc phản vệ không chỉ xảy ra ở BV mà ở ngoài cộng đồng rất nhiều. Đặc biệt, còn có những trường hợp phản vệ do dị ứng thức ăn, dù đơn giản chỉ ăn một hạt lạc, một vài gọng dọc mùng cũng bị sốc phản vệ và tử vong. Cụ thể, mới đây, tại BV Bạch Mai đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ, hơn 20 tuổi có tiền sử bị dị ứng với dọc mùng. Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân này thích ăn bún dọc mùng, trong lần ăn dọc mùng thứ nhất, bệnh nhân thấy ngứa họng, miệng, nhưng đến lần hai thấy khó thở, co thắt như bị hen nặng. Người chủ quán bún phải nhờ xe ôm đưa bệnh nhân này đến BV Bạch Mai. Tuy nhiên, chưa đến BV thì bệnh nhân đã thiếu oxy não, ngừng tim nên dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Phác đồ cấp cứu mới

"Nếu bệnh nhân bị sốc phản vệ cấp cứu ngay, xử lý trong vòng 10 giây thì 80 - 90% có thể cứu được. Đây là những cái chết hoàn toàn không mong muốn và xảy ra đột ngột, đặc biệt là ở những người khỏe mạnh" - PGS.TS Bình nhấn mạnh. PGS.TS Bình cho biết, hiện nay phác đồ cấp cứu phản vệ sử dụng Adrenalin tỏ ra hiệu quả, an toàn, dễ áp dụng ở mọi nơi. Phác đồ mới này đang trình Bộ Y tế sớm phê duyệt để triển khai rộng rãi. Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) đã xây dựng phác đồ trong thời gian từ tháng 6/2014 đến nay, áp dụng cho 161 bệnh nhân tại 8 BV, gồm 4 BV loại I, 3 BV loại II và 1 BV loại III. Phác đồ cấp cứu phản vệ mới có dùng Adrenalin được dùng cho 154 bệnh nhân, còn 7 bệnh nhân không theo phác đồ. Kết quả, 100% bệnh nhân điều trị theo phác đồ mới không bệnh nhân nào tử vong, trong khi 7 trường hợp không áp dụng phác đồ thì 2 trường hợp phản vệ nhẹ còn sống, 5 trường hợp nặng đều tử vong.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình, với phác đồ cấp cứu phản vệ trước đây chỉ sử dụng trong BV vì cho rằng, bác sĩ, điều dưỡng mới cần dùng. Thế nhưng, hiện với phác đồ sử dụng thuốc cấp cứu sốc phản vệ hàng đầu là Adrenalin có thể trang bị ngay trên máy bay, cứu hỏa, cấp cứu 115… hay trang bị cho những người làm việc độc lập như cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng… Thậm chí, nếu gia đình có người có tiền sử bị dị ứng cũng nên để một ống Adrenalin hàm lượng thấp dùng để tiêm bắp. Với những người có tiền sử dị ứng nên mang theo ống thuốc này trong hành lý cá nhân.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình hy vọng, với phác đồ cấp cứu và chủ động phòng bệnh, nhiều người dân, đặc biệt những người có tiền sử dị ứng sẽ được cứu sống trong gang tấc.