Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão |
Cần thiết và cấp thiết
Trong công tác cán bộ vấn đề “chạy chức chạy quyền” đã được nói đến nhiều trong thời gian qua. Với Quy định lần này, dư luận coi đây là cách làm rất mới để hướng tới xây dựng thể chế về kiểm soát quyền lực. Cá nhân ông đánh giá thế nào về thời điểm ban hành Quy định này?
- Trước hết phải điểm lại, Hội Nghị T.Ư 4 (Khóa XII) của Đảng năm 2016 đã đề cập tới một vấn đề hết sức quan trọng là “kiểm soát quyền lực”. Vừa rồi tại Hội nghị T.Ư 8, công tác cán bộ, chống “chạy chức chạy quyền” cũng đã được đặt ra.
Có thể nói rằng, những chỉ đạo quyết liệt của T.Ư mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong thời gian qua để kiên quyết xử lý sai phạm với những cán bộ đã nghỉ hưu và cả đương chức nếu có vi phạm đã cho thấy những nỗ lực chống tham nhũng không có vùng cấm, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, ít nhiều tạo nên sự chuyển biến của cả hệ thống.
Nhưng thực tế vừa qua cho thấy, tình trạng “chạy chức chạy quyền” diễn ra muôn hình vạn trạng, từ bổ nhiệm, ưu ái người nhà, đến chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, rồi cảnh hẩu, thân quen “nâng đỡ” nhau… Nếu không có quy định cụ thể để chỉ đạo, ngăn chặn, vấn đề ngày càng phức tạp, đặc biệt khi Đại hội Đảng các cấp đang chuẩn bị được tiến hành, công tác cán bộ “nóng” hơn bao giờ hết.
Bởi thế, theo tôi, Quy định số 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền” được ban hành trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị về công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ. Hay nói cách khác, thực tiễn khách quan đòi hỏi cần cơ chế để kiểm soát quyền lực, không thể lùi hơn được nữa.
Quy định đã chỉ ra rất rõ trách nhiệm, quyền hạn, những dấu hiệu của người vi phạm và các biện pháp để xử lý. Theo ông, những Quy định lần này đã nhận diện hết được tình hình thực tiễn và tạo thành “lồng cơ chế” đẩy lùi tiêu cực?
- Chống “chạy chức, chạy quyền” đúng là vấn đề khó, nhạy cảm và ngày càng thiên biến vạn hóa như tôi đã nói. Chúng ta đưa ra các quy định hiện tại là nhận diện ở thời điểm này, điều chỉnh các hành vi diễn ra trong thực tiễn hiện nay, có thể chưa bao quát hết được thực tiễn trong tương lai. Nhưng các quy định vẫn chính là nền tảng để chống tiêu cực xảy ra.
Bởi thực tiễn cho thấy, nguyên nhân khiến chúng ta chưa kiểm soát tốt được quyền lực, “chạy chức, chạy quyền” vẫn diễn ra là do chưa có được một cơ chế đầy đủ, chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng cá nhân có quyền lực và bắt buộc họ phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đó. Chúng ta vẫn nói đến việc “chạy”, nhưng cũng chưa rõ là “chạy ai, ai chạy và chạy thế nào”. Bây giờ đã chỉ rõ với những quy định cụ thể cả người vi phạm và bao che, tiếp tay cho vi phạm.
Quy định nêu cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, các hành vi bị nghiêm cấm cũng như biện pháp xử lý khi vi phạm đối với cá nhân, đơn vị trong công tác cán bộ. Trong đó, đáng lưu ý, Bộ Chính trị nghiêm cấm thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị cung cấp tiết lộ hồ sơ nhân sự; để vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình nhằm thao túng, can thiệp công tác cán bộ... Đồng thời cũng có quy định để tổ chức đại diện của Nhân dân tham gia giám sát quyền lực của cán bộ.
Nhận diện rồi phải hành động xuyên suốt và cụ thể
Như vậy, Quy định 205 chính là cái "lồng" nhốt quyền lực, ngăn những kẻ cơ hội chính trị, chống sự tha hóa quyền lực từ khâu cán bộ - "gốc" của mọi công việc. Vậy theo ông, để thực thi hiệu quả quy định này, ngăn “chạy chức, chạy quyền” có những vấn đề gì cần lưu tâm?
- Theo tôi, đây là một nội dung mới nên cũng cần có cách làm mới để thực thi. Để triển khai quy định nói trên cần phải có nhiều biện pháp để đạt hiệu quả thông suốt, mạnh mẽ, kiên quyết, từ trên xuống dưới. Tiếp theo quy định của Đảng, các cơ quan có trách nhiệm như Quốc hội, Chính phủ… cần có các văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện quy định này vì xây dựng Nhà nước pháp quyền thì mọi vấn đề phải minh bạch, rõ ràng, thể hiện trên những văn bản của các cơ quan Nhà nước để mọi người đều phải thực hiện cho tốt. Không nên chỉ là văn bản trong Đảng, thực hiện mạnh mẽ trong Đảng.
Những vấn đề này còn có thể làm rộng hơn, ở cả các cơ quan chính quyền, vì quy định tác động tới tất cả các cơ quan, cán bộ, không chỉ là cán bộ Đảng, mà cả với cán bộ chính quyền, cán bộ Nhà nước, các tập thể, các cấp, các ngành… để quy định được thực hiện “đến nơi đến chốn” cả trong Đảng và trong cơ quan Nhà nước.
Ví dụ như chúng ta đã có Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, những nội dung trong Quy định đã được thể hiện phần nào trong Luật?. Nên rà soát lại, bổ sung những tư tưởng chỉ đạo để trở thành văn bản chính thống đưa vào thực hiện.
Đồng thời, hiện nay, trong Đảng, chính quyền cũng có rất nhiều văn bản, luật khác nhau, cũng nên hệ thống lại để các cơ quan, tổ chức, các cán bộ lãnh đạo thực hiện được chủ động, rõ ràng và có tính hệ thống, không chồng chéo, không lấn nhau và được thực hiện đầy đủ.
Dựa trên quy định này, Chính phủ nên xây dựng một chương trình hành động cụ thể; kiểm soát lại những quy định vẫn còn sơ hở, lấp các lỗ hổng về cơ chế để tránh tạo cơ hội “chạy chức, chạy quyền” lách. Nói cách khác, không chỉ thực hiện trong các tổ chức đảng, mà Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành… đều phải xây dựng biện pháp thực hiện phù hợp với điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị. Có như vậy, sức lan tỏa Quy định của Bộ Chính trị sẽ rộng khắp và thật sự hiệu quả.
Ngoài ra, cũng cần kết hợp giữa kiểm soát bằng thể chế với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm. Đặc biệt, theo tôi, hiện Điều lệ Đảng chưa quy định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng như thế nào. Vì thế, lần sửa đổi này cũng nên đặt vấn đề nghiên cứu, làm rõ từng cơ quan, cá nhân trong tổ chức Đảng có vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào để không ai vượt quyền, hay lạm quyền được.
Nếu thực hiện tốt các nội dung Quy định đã đề cập, làm được đồng bộ các giải pháp, ông có kỳ vọng việc “chạy chức, chạy quyền” sẽ được ngăn chặn?
- Nếu nói rằng ngăn chặn tuyệt đối ngay sẽ khó, nhưng vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ bằng thực hiện nghiêm các thể chế, cơ chế, nên tôi tin rằng, quy định này khi được thực thi nghiêm khắc, đồng bộ với các quy định khác của T.Ư chính là cơ chế kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ trên mọi phương diện.
Hơn nữa, cùng với việc kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, nên chú trọng vấn đề giáo dục liêm chính trong cán bộ. Từng cá nhân ở mỗi cương vị, vị trí phải có sự rèn luyện, tu dưỡng. Là công bộc của dân thì không thể dùng quyền lực của mình để lợi dụng, khai thác vật chất, “chạy chức, chạy quyền” làm ảnh hưởng đến bộ máy.
Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện các quy định mới mà T.Ư đã ban hành như bố trí Bí thư cấp ủy tỉnh, huyện không phải là người địa phương để hạn chế, khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, dòng họ, cục bộ địa phương. Mở rộng việc áp dụng hình thức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý… Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, chắc chắn sẽ từng bước khắc phục được tình trạng “chạy chức, chạy quyền”.
Xin cảm ơn ông!
"Có thể coi Quy định 205 chính là thông điệp, quyết tâm chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền" của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay. Sẽ không thể có chuyện cá nhân người đứng đầu thao túng tổ chức, lợi dụng việc tập thể quyết định để né trách nhiệm, bổ nhiệm thân hữu, người nhà...; bộ phận tham mưu cũng không thể "đứng ngoài cuộc"; đặc biệt bất kỳ ai có biểu hiện "chạy chức, chạy quyền" đều bị loại trừ ngay." - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão |