Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: Nên có văn bản quy định về từ chức

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời phỏng vấn Báo Kinh tế & Đô thị về việc mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng cơ chế văn hóa từ chức, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão hoan nghênh tinh thần đó và mong ý tưởng sớm đi vào cuộc sống.

Nâng tầm thành Luật Từ chức

Theo ông, khi Bộ Nội vụ xây dựng thể chế về từ chức, những ai thuộc đối tượng trong văn bản này?

- Lâu nay, người ta hay dùng cụm từ “Văn hóa từ chức”, nếu đặt vấn đề xây dựng một văn bản pháp luật thì nên dùng cụm từ Thể thức từ chức. Về đối tượng từ chức có một phạm vi khá rộng.
Trước hết, là những người được Quốc hội bầu như Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao… Đối tượng do Quốc hội phê chuẩn như các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng. Tiếp đến là các Thứ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP… do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Như vậy, nếu Chính phủ ra một nghị định về từ chức thì không bao gồm tất cả các đối tượng liên quan đến quy định này. Từ ý tưởng tốt của Thủ tướng Chính phủ, theo tôi nên nâng tầm vấn đề này thành Luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội để bao gồm tất cả các đối tượng như tôi nói ở trên.
 Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão
Nếu xây dựng thành luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội, nội dung văn bản từ chức nên đề cập đến những vấn đề gì, thưa ông?

- Thực ra, từ chức nằm trong phạm trù công tác nhân sự bao gồm cả đề bạt, cách chức và từ chức. Với cách nhìn toàn diện trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền thì nên xây dựng một văn bản pháp luật bao gồm cả 3 nội dung đề bạt, cách chức, từ chức. Còn nếu muốn làm cho nhanh thì chỉ đề cập đến vấn đề từ chức. Nội dung văn bản từ chức bao gồm: Một là, thực trạng tình hình và những hậu quả. Hai là, mục đích, yêu cầu. Ba là, đối tượng điều chỉnh. Bốn là, nội dung và tiêu chí từ chức. Năm là, thủ tục từ chức. Sáu là, thẩm quyền cho từ chức…

Chỉ một số trường hợp được từ chức

Những người không hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ nào thì được phép từ chức?

- Ở các nước, những người không làm tròn trách nhiệm của mình thì phải từ chức. Theo tôi, đối tượng từ chức thuộc các điều kiện như: Họ được giao nhiệm vụ nhưng sức khỏe không đảm bảo để thực hiện; công việc được giao quá sức so với năng lực, trong khi thực hiện thấy có nhiều vấn đề phức tạp không đảm nhiệm được, không làm tròn trách nhiệm ở mức độ nhất định... Như vậy, việc từ chức chủ yếu do đương sự đề xuất. Chính vì thế, người ta mới gọi là "Văn hóa từ chức". Nhưng ai đó tham nhũng, những việc làm xấu xa, nhất là đụng chạm đến lợi ích quốc gia thì không được từ chức mà phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ở nước ta, thời gian qua có một số trường hợp từ chức không phải vì sức khỏe, năng lực mà thực chất là do có khuyết điểm. Đây là vấn đề cần làm rành mạch trong những văn bản sắp tới. Có làm được như thế, mới lấy lại được niềm tin của Nhân dân.

Khi chúng ta có văn bản về thể thức từ chức, người đang giữ chức vụ xin được miễn nhiệm, liệu hình ảnh của họ sẽ bị xấu đi trong mắt người dân, thưa ông?

- Như đã phân tích ở trên về điều kiện từ chức sẽ không có nhiều người từ chức. Và như thế từ chức không phải là hình ảnh xấu. Vì như tôi đã nói, họ xin miễn đảm nhiệm chức vụ vì lý do sức khỏe, hay công việc quá sức không thể kham nổi. Trong những trường hợp này, người từ chức được đánh giá cao. Văn bản cũng cần nêu rõ, những trường hợp ẩn náu, lẩn trốn, mắc khuyết điểm mà xin từ chức thì không thể được. Họ sẽ bị xem xét kỷ luật, thậm chí điều tra để có kết luận của các cơ quan có trách nhiệm để xử lý đúng mức.

Mới đây, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) có nói đến “Văn hóa từ chức” để nhường chỗ cho bậc hiền tài. Ông có ý kiến gì?

- Chọn người hiền tài nằm trong tổng thể công tác nhân sự, chứ không chỉ một khía cạnh từ chức. Tôi nghĩ, tới đây những người từ chức không nhiều. Thí dụ chúng ta đề bạt 10 người, có chăng chỉ có 1 – 2 người từ chức, đâu phải là số đông? Cho nên, điều quan trọng nhất là chọn những người có đức, có tài để làm việc cho quốc gia được xem xét rất toàn diện, chẳng hạn như 5 tiêu chuẩn chọn đại biểu Quốc hội. Nếu tỷ lệ từ chức nhiều cũng không tốt, chứng tỏ mình chọn người không đúng. Cho nên, nói từ chức để nhường chỗ cho người hiền tài không bao quát hết, chỉ đúng một phần thôi.

Xin cảm ơn ông!