Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Nên triển khai 4G vào 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều kinh nghiệm quản lý ngành viễn thông Việt Nam, ông Lê Nam Thắng cho rằng cần cân nhắc kỹ thời điểm triển khai 4G tại Việt Nam nhằm mang lại hiệu quả cho người dùng lẫn nhà mạng.

Hiện tại đang là thời điểm để Việt Nam chuyển từ mạng 3G lên 4G, theo dự kiến, từ đầu năm 2016 Bộ TT&TT sẽ tổ chức cấp phép cho các nhà mạng đưa 4G chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu bây giờ có phải là lúc thích hợp để triển khai 4G? Tương lai của 4G tại Việt Nam sẽ ra sao ? ...
Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng là một trong những nhân vật quan trọng góp phần vào sự phát triển 3G tại Việt Nam
Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng.
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, người từng nhiều năm phụ trách mảng viễn thông của Việt Nam nhằm chia sẻ góc nhìn của ông về triển khai 4G tại Việt Nam.

- Theo ông, việc các nhà mạng muốn triển khai 4G ngay trong năm 2015 có phải là quá sớm không?

Ông Lê Nam Thắng: Nếu đưa 4G vào triển khai ngay trong năm nay e rằng là hơi sớm, với tốc độ phát triển về công nghệ thông tin và viễn thông của Việt Nam thì thời điểm 2016 hoặc 2017 sẽ phù hợp hơn.

Để xác định thời điểm triển khai 4G cần cân nhắc xem đối tượng phục vụ là ai, nhu cầu của thị trường ra sao cũng như mức giá cước có phù hợp hay không. Nếu đưa vào quá sớm, doanh nghiệp sẽ không thu hồi được vốn đầu tư cũng như người sử dụng sẽ phải chi trả nhiều hơn để sở hữu các thiết bị đầu cuối thích hợp với 4G. Mặt khác, chất lượng cần là yếu tố được đặt lên hàng đầu, qua đó người dùng và doanh nghiệp mới có thể thấy những lợi ích từ mạng này.

Cũng giống như với thời điểm triển khai 3G, mặc dù đi sau các nước gần 10 năm nhưng khi đưa vào phổ biến đã trùng hợp với thời kỳ smartphone, máy tính bảng bùng nổ, nhờ đó mang lại hiệu quả cao.

- Ông nhận định thế nào về ý kiến cho rằng triển khai 4G nhưng vẫn giữ số sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh của các nhà mạng?

Ông Lê Nam Thắng: Việc này hoàn toàn không có vấn đề gì, giữ số khi triển khai 4G sẽ giúp tăng sức cạnh tranh giữa các nhà mạng. Quan điểm của tôi trong viễn thông cũng như các lĩnh vực khác là sẽ không thể phát triển nếu không có cạnh tranh.

- Ông có thể dự đoán về quy mô của mạng 4G tại Việt Nam trong tương lai?

Ông Lê Nam Thắng: Điều này còn tùy thuộc vào cách thức mà 4G được sử dụng trong thực tế. Nếu chỉ đơn thuần là dùng để duyệt web, nghe nhạc, xem phim ... thì không có ý nghĩa. Thực chất, 4G phải được sử dụng cho thương mại điện tử, chính phủ điện tử hoặc những dịch vụ dữ liệu có độ truyền tải lớn mới thể hiện hết ưu thế của mạng này.

Điều này cũng tương tự với việc, trên một đường cao tốc mà chỉ toàn xe đạp, xe thồ mà không có ô tô đi thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

- Về mặt nội dung, trong khi mạng 3G chúng ta vẫn chưa quản lý được toàn bộ, vậy lên 4G phải xử lý vấn đề này thế nào ?

Ông Lê Nam Thắng: Điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dùng. Giống như giao thông trên đường, đường càng to và càng tốt thì tai nạn càng ít nhưng chủ yếu tai nạn thường bắt nguồn từ người tham gia giao thông chứ không phải do con đường.

 
Thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), đến thời điểm này, mới chỉ có Viettel, MobiFone và VNPT-VinaPhone xin thử nghiệm 4G vào cuối năm 2015, trong khi đó các nhà mạng còn lại là FPT, CMC, VTC đều chưa có động thái tương tự.