Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà 5 tầng sập có thể do kết cấu công trình bị phá vỡ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Ngôi nhà đã được xây dựng từ năm 1995, được sửa chữa, nâng cấp cải tạo nhiều lần, làm phá vỡ kết cấu. Điều này có thể dẫn tới nguyên nhân gây sập”, ông Hoàng Văn Ngọc, một kĩ sư xây dựng nhận định.

KTĐT - “Ngôi nhà đã được xây dựng từ năm 1995, được sửa chữa, nâng cấp cải tạo nhiều lần, làm phá vỡ kết cấu. Điều này có thể dẫn tới nguyên nhân gây sập”, ông Hoàng Văn Ngọc, một kĩ sư xây dựng nhận định.

Theo ông Ngọc, các cột bê-tông chịu lực của toà nhà không đảm bảo. Bằng chứng là với một công trình nhà 6-7 tầng thì phải dùng loại thép phi 20, 22 mới chịu được lực, còn ở đây mới nhìn thì chỉ thấy loại thép phi 10-12.

Đây là nhà xây để kinh doanh mới vậy, còn nếu gia đình xây để ở thì họ sẽ không dùng kết cấu khung kém như thế này. Hơn nữa trong quá trình sử dụng, các tầng phía trên còn bị cơi nới xây chìa ra về phía trái cả mét, cộng với chuyển động của động đất vừa rồi, những nhà nào chất lượng kém sẽ bị quỵ gối trước tiên.

Để làm cửa hàng Pizza, chủ thuê đã đập gần hết tường xung quanh và thay bằng kính, cắt các dầm ngang để mở lối thang máy trong toà nhà. Cột yếu thì phải chịu lực bằng tường, nhưng tường lại như vậy thì toà nhà càng bị xé về bên trái, nhất là bên cạnh là cái ngõ, không có gì nâng đỡ.

Ngay sau khi kiểm tra hiện trường toà trả lời phóng viên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, hiện không thể khẳng định sự cố trên có ảnh hưởng từ trận rung chấn cách đây ít lâu; mà nguyên nhân chắc chắn có yếu tố về chất lượng của công trình.

“Toà nhà được xây dựng lâu, cách đây gần 20 năm. Có thể khẳng định chất lượng của công trình hiện có vấn đề nào đó, mới xảy ra như vậy”, ông Hùng cho hay.

Còn theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, vụ sập nhà 6 tầng không liên quan gì đến trận động đất. Việc cắt bỏ các bức tường ngăn cách nhằm tạo một không gian rộng rãi cho quán Pizza sau quá trình sửa chữa đã khiến toà nhà mất độ cứng ngang khiến nó trở nên mất cân bằng.

“Từ một cái hộp hình chữ nhật, việc cắt bớt các lớp tường ngang có thể biến cái hộp đó thành hình quả trám”, ông Liêm cho biết thêm.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã xuống hiện trường kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Hiện, các đơn vị chức năng đang trong quá trình thu dọn đống đổ nát.

Không có thiệt hại về người nhưng chưa thể ước tính về mức độ thiệt hại về tài sản, vật chất. Trả lời báo chí, ông Lã Xuân Thắng, Phó Giám đốc Siêu thị Máy tính Đăng Khoa cho biết rất may không có thương vong về người, vì trước đó đã kịp sơ tán toàn bộ nhân viên và khách hàng ra ngoài.

Tuy nhiên, Đăng Khoa cũng chỉ kịp sơ tán người (nhân viên và khách hàng) chứ không kịp sơ tán hàng hóa và tòa nhà này đã đổ sập vào đúng gian hàng laptop và kho hàng của Đăng Khoa, vì thế toàn bộ hàng hóa ở đây đều bị hư hỏng rất nặng. Những hàng hóa của Đăng Khoa ở khu vực khác cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Thắng, ước tính sơ bộ cho thấy Đăng Khoa thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

 

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhận định qua thông tin ban đầu, nhiều khả năng ngôi nhà bị sập liên quan đến chất lượng móng nhà. “Theo sự phân cấp, việc quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ kiểu này thuộc về UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ tiến hành kiểm tra, phối hợp với địa phương tìm hiểu rõ nguyên nhân sự cố này”, ông Dung nói.

 

Theo ông Dung, trước tình hình phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc xây dựng và chất lượng công trình nhà ở riêng lẻ, từ năm 2009 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ. Thông tư quy định rõ, đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên thì bắt buộc chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định và việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thiết kế xây dựng thực hiện. Nhiều người đã có ý thức xây dựng công trình đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn, cơ quan quản lý ở địa phương giám sát tốt khi cấp phép, nhưng trên thực tế vẫn còn những chủ nhà vì tiếc tiền hoặc chưa lường hết những sự cố có thể xảy ra đối với công trình của mình nên thuê thiết kế không đảm bảo, thuê đơn vị thi công không đủ năng lực, chẳng hạn như phó thác cho nhóm thợ ở quê lên phố làm thuê…

 

Ông Dung nhận định sự cố sập nhà 5 tầng nêu trên chỉ là hy hữu, nhưng qua đây cơ quan hữu trách của Hà Nội cần tăng cường rà soát, kiểm tra chất lượng nhà ở riêng lẻ, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác thẩm định hồ sơ trước khi cấp phép xây dựng những công trình thuộc loại này, tránh những sơ sót có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong cả quá trình thi công và khi đưa vào sử dụng.

 

(Nguồn: Thanh Niên o­nline)