Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Nhà băng" đua huy động vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau thời gian tuân thủ nghiêm túc quy định này, từ đầu tháng 10, ít ngày trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 32, cuộc đua huy động vàng, dù là dưới hình thức chứng chỉ, lại rộ lên.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động manh nha trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 32 dẹp loạn giá vàng và vẫn kéo dài cho tới tận hôm nay, ở cả những ngân hàng được tham gia bình ổn và những đơn vị bên ngoài.

Thông tư 32 được Ngân hàng Nhà nước ban hành hôm 6/10, trong đó cho phép một số ngân hàng được bán vàng tồn quỹ để bình ổn thị trường và mở tài khoản nước ngoài trở lại để cân đối trạng thái khi cần. Thông tư cũng một lần nữa nhắc lại chủ trương cấm huy động và cho vay vàng đã được đưa ra từ tháng 4. Với chủ trương này, các ngân hàng chỉ được phép huy động dưới hình thức chứng chỉ ngắn hạn để chi trả vàng theo yêu cầu của khách khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng chấm dứt vào ngày 1/5/2012.

Sau thời gian tuân thủ nghiêm túc quy định này, từ đầu tháng 10, ít ngày trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 32, cuộc đua huy động vàng, dù là dưới hình thức chứng chỉ, lại rộ lên. Từ 1/10, lãi suất huy động vàng tại ACB tăng lên 0,85% đối với kỳ hạn một tháng 1,3% một năm với 11 tháng. Trước đó, vào ngày 14/9, lãi suất huy động cho kỳ hạn một tháng của đơn vị này là 0,75% một năm, tăng 0,2% một năm so với hồi tháng 6 trước đó. Động thái tăng này xuất hiện trước khi Ngân hàng Nhà nước cho phép 5 nhà băng và một công ty vàng bán vàng bình ổn vào hôm 6/10.

Nhân viên phòng giao dịch ACB tại Hà Nội xác nhận đơn vị này đang triển khai chương trình cộng thêm lãi suất cho khách gửi bằng chứng chỉ huy động vàng, dự kiến sẽ kết thúc vào 15/10. Theo đó, những khách hàng gửi từ 50 lượng trở lên có thể được cộng thêm 0,2% vào lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng trở lại. Hiện tại, lãi cho kỳ hạn này là 1,05-1,15% một năm. Như vậy, nếu được cộng thêm 0,2%, mức lãi suất áp dụng lên tới 1,25- 1,35% một năm. Tuy nhiên, nhân viên nhà băng này tại một chi nhánh khác ở Hà Nội cho hay, mức cộng có thể lên tới 0,5% cho các khoản từ 30 lượng trở lên.

Eximbank vẫn chỉ nhận giữ hộ vàng cho khách và trả lợi tức tăng thêm so với trước. Nhân viên chi nhánh Hà Nội của nhà băng này cho hay, từ vài ngày nay, lợi tức giữ hộ vàng tăng lên 1,5% một năm từ mức dưới 1% một năm trước đó. Số lượng vàng nhận giữ tối thiểu vẫn là 1 chỉ.

Ngoài ra, lãi suất chứng chỉ huy động vàng tại một số đơn vị không nằm trong danh sách các nhà băng được chuyển vàng thành tiền đồng cũng vẫn đứng ở mức cao. Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa vẫn áp dụng cao nhất 2,2% một năm. Trong khi đó, một số đơn vị khác như Phương Nam để lãi suất huy động là 1,5% một năm, Việt Á cũng đẩy lãi suất lên cao nhất 2% một năm cho kỳ hạn 3 tháng.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, việc ngân hàng này dâng cao lãi suất huy động vàng trong thời gian qua là để phục vụ mục đích bình ổn thị trường mà Ngân hàng Nhà nước giao phó. Khi người dân có nhu cầu, những đơn vị tham gia bình ổn thị trường phải nâng lãi suất lên, mới thu hút được nguồn gửi vào đồng thời vàng mới quay trở lại để phục vụ ngân hàng, chứ không nằm ở nhà dân.

Về lãi suất hiện tại cao so với mặt bằng chung, Phó tổng giám đốc ACB cho hay, chưa có bất cứ quy định nào về trần lãi suất huy động vàng, do vậy, việc một số ngân hàng nâng lãi suất lên, cũng không quá khó hiểu. Ông Toại cũng nhận định, đến khi chênh lệch giá trong nước và thế giới quay về vùng như kỳ vọng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khoảng 400.000 đồng mỗi lượng, lãi suất huy động vàng trong các nhà băng cũng sẽ hạ nhiệt.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11 yêu cầu các tổ chức tín dụng ngừng huy động và cho vay vàng đồng thời cấm việc chuyển đổi từ vàng thành tiền. Nhiều ngân hàng thực hiện rất nghiêm quy định này, đưa lãi suất về chỉ còn 0,4% (Eximbank) hay 0,2-0,7% một năm (ACB). Tuy nhiên, đến 6/10, cơ quan này lại đồng ý cho phép một số đơn vị được kinh doanh vàng tài khoản và chuyển đổi số vàng tồn quỹ (dôi ra từ số dư vàng huy động và dữ hộ trừ đi số dư vàng cho vay) thành tiền đồng.

Một số ý kiến nhìn nhận, có thể có đơn vị biết trước về chủ trương chuyển vàng thành tiền trong Thông tư 32, nên tận dụng nâng cao lãi suất chứng chỉ huy động để thu hút vàng gửi từ người dân.

Riêng những đơn vị không thuộc diện được tham gia bán vàng bình ổn nhưng có huy động, cho vay vàng trước đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo chỉ được phát hành chứng chỉ huy động vàng ngắn hạn và đưa dần lãi suất về dưới 1%. Thời gian đầu, các ngân hàng này đều thực hiện rất tốt, thậm chí có nhiều nhà băng đưa lãi suất về sát 0,1-0,2% một năm. Nhiều hơn vị chấp hành quy định phát hành chứng chỉ nhưng lại đẩy lãi suất cao lên hơn 1% một năm trong thời gian gần đây.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, có nhiều nhân tố khác nhau khiến ngân hàng đẩy lãi suất vàng lên cao, song không loại trừ trường hợp vài đơn vị đang cố gắng "lách" để chuyển vàng thành tiền đồng, giải quyết vấn đề thanh khoản trước mắt.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, việc một số ngân hàng không nằm trong nhóm được tham gia bình ổn thị trường đẩy lãi suất huy động vàng lên cao có thể xuất phát từ lý do thanh khoản. Theo chuyên gia này, trong kinh doanh, hễ bị bịt đầu này, các đơn vị lại tìm cách chạy sang đầu kia. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng phải điều hành linh hoạt, thấy sơ hở thì kịp thời ban hành ngay các chính sách phù hợp, có thể cấm hoặc áp dụng trần lãi suất huy động vàng 0,5% như đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch ngân hàng Bưu Điện Liên Việt nhận định, cho phép các ngân hàng được huy động vàng là việc Ngân hàng Nhà nước nên làm cách đây từ lâu, chứ không phải để đến bây giờ mới làm. Theo quan điểm của ông, hiện nay, không chỉ dân Việt Nam, nhiều nhà đầu tư tại một số quốc gia trên thế giới vẫn có tâm lý trữ vàng. Việc huy động của các ngân hàng sẽ đảm bảo, nếu nhu cầu trong nước thiếu, ngân hàng có thể bán ra để thu hẹp độ chênh giá thế giới và trong nước tạo nên thế "bình thông nhau", dễ ổn định thị trường.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Bưu Điện Liên Việt cho rằng, mức lãi suất huy động chỉ nên từ 1% một năm trở lại là hợp lý. Việc một số đơn vị đang áp dụng lãi suất cao, có khi cao hơn lãi suất huy động USD, có khả năng là tính toán kiểu "một ăn một thua". "Cũng có thể, một vài đơn vị nào đó đang có ý chuyển vàng thành nội tệ để giải quyết vấn đề thanh khoản nhưng họ không công khai ra ngoài", chuyên gia này bày tỏ.

Theo ông, nếu có thật, việc làm này sẽ gây ra nhiều hệ quả. Hệ quả đầu tiên là thị trường vàng có thể biến động vì người dân chuyển từ VND sang vàng. Nếu thấy lãi suất huy động vàng cao, dân sẽ lại tích cực dự trữ vàng để gửi ngân hàng. Nếu thị trường vàng cứ "nhấp nhổm" như vừa rồi, họ lại có chỗ để kinh doanh, vừa "ăn" lãi suất ngân hàng, vừa "ăn" lãi chênh lệch khi mua bán vàng, khiến kinh tế bất ổn, ông nhìn nhận.

Còn theo Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, nếu một số đơn vị huy động trở lại, các cơ quan chức năng cần có cơ chế rõ ràng, kiểm soát được. Theo chuyên gia này, không để cho tình trạng hoạt động không theo hướng dẫn quản lý của Nhà nước dẫn đến các yếu tố "ảo", hoạt động rối ren, xảy ra tình trạng ép giá... thì thị trường mới ổn định được. Thời gian vừa qua, một số biện pháp để ổn định thị trường vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Dù đã mấy lần cấp quota nhập vàng bình ổn thị trường, nhưng vẫn còn tồn tại hiện tượng đầu cơ, phao tin, ép giá. Thậm chí, trong lần cấp quota cuối cùng, tác dụng gần như không còn nhiều khi mức vênh trong nước và thế giới vẫn cao.

Trong xu hướng đó, một số đơn vị khác cũng đang cân nhắc huy động vàng trở lại. Không nằm trong danh sách các đơn vị được tham gia bình ổn thị trường, song cách đây vài hôm, một ngân hàng thương mại tại quận Đống Đa, Hà Nội cũng tiết lộ, đơn vị này đang xây dựng chiến lược nhận vàng gửi từ người dân. Thời điểm bắt đầu đang được cân nhắc. Hiện tại, nhà băng này đang lên kế hoạch để có thể "trình làng" lãi suất huy động mới và cạnh tranh nhất với các đơn vị khác.