Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà báo Công Nghĩa Hoàn - trọn đời vì sự nghiệp báo chí Thủ đô

Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/10/2018, nhà báo Công Nghĩa Hoàn, nguyên Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Hànộimới đã từ trần sau thời gian lâm bệnh nặng. Một nhà báo có tâm, có tầm, trọn đời vì sự nghiệp báo chí Thủ đô, Tổng Biên tập đầu tiên của báo Kinh tế & Đô thị đã đi xa. Đây thực là một mất mát lớn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người làm báo Thủ đô…

Nhà báo Công Nghĩa Hoàn (bên phải) đã gắn bó trọn đời với báo chí Thủ đô, người đặt nền móng cho báo Kinh tế & Đô thị.

Cả đời đau đáu với nghề

Với 79 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, nhà báo Công Nghĩa Hoàn đã gắn bó trọn đời với báo chí Thủ đô. Nhắc tới ông, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí luôn cảm nhận sự gần gũi, thân thiện, vui vẻ, lạc quan, một tấm gương về tính khiêm tốn, ham học và trách nhiệm, một nhà báo yêu nghề, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn về mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và luôn hết lòng với sự phát triển của Thủ đô.

Nhà báo Công Nghĩa Hoàn, sinh ngày 9/7/1940, tại xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Năm 1960, khi tròn 20 tuổi, ông được nhận làm việc ở báo Thủ đô Hà Nội (nay là báo Hànộimới), sau đó ông được cơ quan cử đi học báo chí tại trường Đại học Nhân dân. Đây là lớp đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên của nước ta sau hòa bình lập lại do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức. Học xong, tiếp tục làm phóng viên, cuối năm 1963, cả nước có đợt tuyển quân lớn nhằm phục vụ cho chiến trường miền Nam, ông gia nhập quân đội cùng gần 500 thanh niên quận Hoàn Kiếm và là thanh niên đầu tiên của báo Hànộimới lên đường nhập ngũ.

Với những đóng góp của mình, nhà báo Công Nghĩa Hoàn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Bằng khen, Giấy khen các loại.

Trong quân đội, ông được cử đi học lái xe 8 tháng ở trường dạy lái xe (D255) của quân đội tại Vị Thủy (Sơn Tây). Tốt nghiệp trường lái xe D255, ông được biên chế vào Đoàn 3, xóm Cục, Tân Kỳ, Hà Tĩnh làm trợ lý tuyên huấn binh trạm 32, Bộ tư lệnh 559 (Bộ đội Trường Sơn). Gần 10 năm làm nhiệm vụ trong quân ngũ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tháng 9/1972, ông xuất ngũ và tiếp tục gắn bó với nghề báo tại báo Hànộimới.

Là người ham học hỏi, tìm tòi, sáng tạo lại mang trong mình tố chất của bộ đội Trường Sơn, ông không ngại khó, ngại khổ, luôn xông pha vào những điểm nóng, những vấn đề dân sinh bức xúc và có nhiều tác phẩm báo chí được dư luận và bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao. Từ phóng viên, rồi Phó ban, Trưởng ban Bạn đọc của báo, đến năm 1987, ông được Thành ủy Hà Nội bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập báo Hànộimới. 10 năm trên cương vị Phó Tổng Biên tập báo Hànộimới, ông đã có nhiều đóng góp cùng Ban Biên tập báo và tập thể cán bộ phóng viên báo Hànộimới không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm tờ báo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trao đổi với Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Công Nghĩa Hoàn năm 1999. Ảnh: Anh Quý

Năm 1997, thực hiện chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND TP về việc xuất bản một tờ báo chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế và đô thị, mặc dù đã gần đến tuổi nghỉ theo chế độ, nhưng nhà báo Công Nghĩa Hoàn vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới là phụ trách công tác chuẩn bị xuất bản báo Kinh tế & Đô thị - Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội. Ngày 1/1/1999, số báo Kinh tế & Đô thị đầu tiên được xuất bản và ông cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo.

Từ đó cho đến khi nghỉ hưu năm 2000 và cả suốt thời gian sau này, nhà báo Công Nghĩa Hoàn vẫn luôn đau đáu với nghề, với tờ báo mà ông đã dành nhiều tâm huyết. Gần 2 năm nay nằm trên giường bệnh, nhưng không ngày nào ông không đọc báo Kinh tế & Đô thị. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, mặc dù sức tàn lực kiệt, nhưng ông vẫn gắng gượng trao đổi, góp ý và gửi gắm cả những nỗi niềm, kỳ vọng về sự phát triển của tờ báo trong tương lai…

Ông luôn trăn trở, đau đáu làm sao để tờ báo đứng vững và ngày càng phát triển, xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của lãnh đạo TP và đồng nghiệp, cũng như bạn đọc Thủ đô và cả nước.

Người đặt nền móng cho báo Kinh tế & Đô thị

Thời gian nhà báo Công Nghĩa Hoàn làm Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị không dài, nhưng những đóng góp của ông với tờ Báo là rất quan trọng. Cùng với các cộng sự, ông là người đã đặt những viên gạch đầu tiên, gây dựng nên nền móng cho tờ báo, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền phát triển kinh tế và xây dựng, quản lý đô thị của Thủ đô trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới.

Có dịp tiếp xúc, ông lại kể cho chúng tôi nghe về nhiều câu chuyện về thuở ban đầu thành lập Kinh tế & Đô thị. Đó là những ngày đầu chuẩn bị ra báo, việc xin giấy phép xuất bản gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Nhưng với sự tích cực của ông và được sự ủng hộ nhiệt tình của các lãnh đạo TP thời điểm đó là Bí thư Thành ủy Lê Xuân Tùng, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch UBND TP Hoàng Văn Nghiên, cuối cùng giấy phép của báo Kinh tế & Đô thị cũng được cấp.

Ngay việc tìm một nơi để đặt trụ sở báo cũng là câu chuyện khó quên, thể hiện trách nhiệm của ông với tờ báo. Với sự nhiệt huyết của Tổng Biên tập Công Nghĩa Hoàn, đích thân Chủ tịch UBND TP Hoàng Văn Nghiên đã “ưu ái”, trực tiếp đưa ông đến một số địa điểm để tìm nơi phù hợp đặt trụ sở của báo. Sau nhiều chọn lựa, Tòa nhà số 21 Huỳnh Thúc Kháng được UBND TP cho báo Kinh tế & Đô thị làm trụ sở đến ngày hôm nay.

Nhà báo Công Nghĩa Hoàn tại nhà in, chuẩn bị cho số báo đầu tiên của báo Kinh tế & Đô thị.

Những ngày đầu báo Kinh tế & Đô thị đi vào hoạt động là khoảng thời gian thực sự vất vả với Tổng Biên tập Công Nghĩa Hoàn. Các phòng, ban đều thiếu nhân sự, thiếu phóng viên, nên phụ trách các ban hầu hết là các nhà báo đã nghỉ hưu hoặc kiêm nhiệm. Ban Biên tập báo mà đúng ra chỉ một mình ông phải tất bật lo toan, từ việc hình thành bộ khung các phòng ban, xây dựng đội ngũ phóng viên, chuẩn bị nội dung, đến công tác tài chính, phát hành và gây dựng thương hiệu cho tờ báo. Những số báo Kinh tế & Đô thị đầu tiên nối tiếp nhau ra đời đã được bạn đọc đón nhận một cách trân trọng, lãnh đạo TP đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể báo và cá nhân ông trong những ngày đầu khó khăn.

Nhà báo Công Nghĩa Hoàn là một người rất ham học hỏi. Ông từng kể: “Hồi chuẩn bị xuất bản báo Kinh tế & Đô thị, tôi rất lo lắng và xin đi khảo sát một số báo ở phía Nam. Người ta thường nói: “Văn Bắc, thơ Trung, báo Nam”. Lúc đó các báo: Saigon Times, Tuổi Trẻ đã rất hấp dẫn. Cuộc khảo sát bổ ích làm cho tôi vỡ ra nhiều điều về cách làm một tờ báo chuyên đề về kinh tế và đô thị”.

Tháng 9/2000, nhà báo Công Nghĩa Hoàn đến tuổi nghỉ chế độ. Dù chưa đến 3 năm đảm nhiệm vai trò "thuyền trưởng" ở báo Kinh tế & Đô thị, trong đó có cả thời gian chỉ là phụ trách công tác chuẩn bị xuất bản báo và gần 2 năm là Tổng Biên tập, nhưng với những nền móng ban đầu do ông gây dựng, báo Kinh tế & Đô thị có được những bước chuẩn bị tốt về mọi điều kiện cho sự phát triển trong tương lai. Nhiều nội dung, ý tưởng, quan điểm làm báo của ông từ những ngày đầu gian nan, vất vả ấy đến giờ báo Kinh tế & Đô thị vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề báo, từ một phóng viên, rồi làm lãnh đạo quản lý và cả sau khi đã nghỉ hưu, nhà báo Công Nghĩa Hoàn luôn thể hiện trách nhiệm của người cầm bút có tâm, có tầm, nhiệt huyết và yêu nghề, luôn lạc quan, yêu đời... Ở ông, luôn toát ra một tinh thần, một tình yêu với nghề nghiệp báo chí, với đồng chí, đồng nghiệp, với Thủ đô thân yêu - điều mà những người làm báo thế hệ như chúng tôi luôn kính trọng, noi theo và học tập… Vĩnh biệt nhà báo Công Nghĩa Hoàn - trọn một đời hết lòng vì sự nghiệp báo chí Thủ đô…