Kinhtedothi - Hưởng ứng chương trình cả nước chung tay vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hôm 15/7, Đoàn công tác của Hội Nhà báo Hà Nội đã đến thăm và tặng quà tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 21 phần quà trị giá 80 triệu đồng là tấm lòng cảm kích của những người làm báo Thủ đô gửi tặng, động viên, khích lệ các ngư dân đang bám biển và các em học sinh xuất sắc - những mầm non tương lai của "Vương quốc tỏi" này.
Đỏ rực màu cờ!
Phóng tầm mắt từ tàu cao tốc An Vĩnh, niềm tự hào trào dâng khi trước mắt chúng tôi là cả một vùng đỏ rực màu cờ. Thuyền trưởng Dương Quang Quyển cho chúng tôi biết: "Không có quy định nào, cũng chẳng ai bắt buộc, dân đảo Lý Sơn vì yêu nước, vì muốn khẳng định chủ quyền biển đảo nên nhà nào cũng treo cờ quanh năm, thuyền nào cũng treo vài ba chiếc cờ. Họ cắm cờ ở tất cả những nơi có thể". Hẳn vì thế mà cánh nhà báo từng tác nghiệp tại đây yêu mến gọi nơi này là "Đảo đỏ" - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau khi xuống tàu, chúng tôi bất ngờ nhận được lời mời "về ở cùng gia đình" của một người đàn ông tên Thanh trạc 50 tuổi. Tóc hoa râm. Tầm thước. Vai xuôi. Trên đường đưa chúng tôi về nhà, anh trở thành hướng dẫn viên không chuyên, giọng anh đặc quánh cái mặn mòi đáng yêu của biển. Đi qua những ngôi mộ gió, Nhà trưng bày đội Hoàng Sa - Bắc Hải, những ruộng hành tím, tỏi, dưa hấu… anh liến thoắng giới thiệu về lịch sử hình thành, những nét đặc sắc ở đó. Nụ cười mộc mạc, hiền khô, nồng nàn gió biển của anh chủ nhà nghỉ Viễn Đông, những ánh bạc lấp lánh trên mặt biển dần xua tan cái nắng cháy nơi đây.
Ngắm nhìn "Vương quốc tỏi", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng bỗng thốt lên: "Lý Sơn thay đổi nhiều quá! Mảnh đất này so với 14 năm trước, khi tôi đến công tác cùng Hội Nhà báo TP Hà Nội đã khang trang hơn, đẹp đẽ hơn rất nhiều". Còn với tôi, nơi đây không chỉ sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có mà còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, tinh thần quý báu, những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn…
Quyết tâm bám biển
Khoảng 60% cư dân của huyện làm nghề khai thác thủy, hải sản, chủ yếu ra ngư trường khu vực đảo Trường Sa đánh bắt. Số thuyền khác khai thác lặn bắt hải sâm thì ra vùng đảo Hoàng Sa - khu vực thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt bớ, phá thuyền, cướp hải sản. "Từ khi giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, quyết tâm bám biển của bà con càng lên cao. Là cái nôi của Hải đội Hoàng Sa - Bắc Hải, những con thuyền đánh cá của ngư dân Lý Sơn cứ nhắm vào vùng biển Hoàng Sa như là cách bà con khẳng định với Trung Quốc về chủ quyền biển bằng hành động, cho dù, hành động đó có thể phải trả giá bằng cả tính mạng" - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Hoàng Linh cho biết.Xúc động trước tấm thịnh tình của Hội Nhà báo TP Hà Nội, ông Phạm Hoàng Linh tâm sự: "Mấy tháng nay, du khách Thủ đô, đặc biệt là các nhóm sinh viên, bạn trẻ đến du lịch, thể hiện tình cảm với Lý Sơn tăng đột biến. Trước đây, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra đảo, nhưng gần đây, mỗi ngày lên đến 3 hoặc 4 chuyến. Những bài viết, bức ảnh, thước phim về "Vương quốc tỏi" cũng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là những món quà hết sức quý giá động viên các ngư dân tiếp tục
bám biển, phát huy truyền thống yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương".
Ngư dân Dương Minh Thạnh (thôn Tây, xã An Hải) một trong số 5 ngư dân Lý Sơn được nhận quà dịp này bày tỏ: "Mỗi năm, thời gian tôi ở trên bờ rất ít, chủ yếu đi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Trong số hàng trăm chuyến ra khơi, nhiều lần tàu của tôi bị vây ráp, bị đuổi, bị cướp, bị đánh, nhưng tôi quyết không chùn bước. Có sự động viên, hỗ trợ của Hội Nhà báo TP Hà Nội, tôi và các ngư dân Lý Sơn càng quyết tâm bám biển để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc". Trong khi đó, ngư dân Phùng Trung Thành (Thôn Tây, xã An Hải) cũng bày tỏ sự kiên cường của dân đảo Lý Sơn: "Răng mà phải sợ? Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc muốn cướp của ta nên chúng quậy, phá mình nhưng không phải vì thế mà mình dừng lại. Dừng lại có nghĩa là chịu thua, mà người Lý Sơn không bao giờ cam chịu nỗi nhục nhã đó. Phải ra biển, đó không chỉ là vì giữ nghiệp hay duy trì cuộc sống. Nếu mình không ra, mình sợ thì chẳng khác nào nói biển đó là của Trung Quốc như bọn chúng đã và đang đổi trắng thay đen".
Hiểu được quyết tâm của những ngư dân can trường này, chúng tôi cảm thấy ấm lòng và thêm yêu thương, trân trọng những nỗ lực của họ và tự nhủ, phải ghi lại thật nhiều hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người "Vương quốc tỏi". Nhưng, dẫu có viết nhiều bao nhiêu, chúng tôi cũng chẳng thể nào nói hết được công lao, sự can trường của họ. Mong sao sóng gió Biển Đông sớm qua cơn dữ dội để bình yên trở về với ngư dân "Đảo đỏ" thân yêu!
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Nguyễn Viêm Hoàng thay mặt Hội Nhà báo TP Hà Nội tặng quà cho các ngư dân Lý Sơn có thâm niên đánh bắt cá ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Hồ Hạ
|
Ngày 15/7, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức buổi nói chuyện về tình hình Biển Đông. Tại buổi nói chuyện, các đại biểu đã được nghe về tình hình thời sự trên Biển Đông hiện nay; việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển Việt Nam; quan điểm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo… Nhân dịp này, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã ủng hộ 200 triệu đồng và 9 liên đoàn lao động quận, huyện cũng đã trao gần 1,6 tỷ đồng ủng hộ lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển. (Hà Phương) |
Chiều 14/7, Đoàn Công tác Hội Nhà báo TP Hà Nội đã trao 5 suất quà (mỗi suất 5 triệu đồng) cho 5 gia đình Cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn thuộc Cảnh sát biển Vùng 2, Núi Thành, Quảng Ngãi. |