Nhà đầu tư lại bán tháo vì lo ngại dịch Covid-19, chứng khoán châu Á chạm mức thấp nhất 1 tuần

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á lao dốc mạnh trong phiên 15/12 khi lo ngại về dịch Covid-19 bùng phát mạnh lấn át tâm lý lạc quan về việc triển khai tiêm vaccine.

Chứng khoán châu Á “nhuộm” sắc đỏ
Thị trường cổ phiếu châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch này khi nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro do lo ngại về tỷ lệ nhiễm mới dịch Covid-19 và tử vong đang tăng tốc tại nhiều nước.
 Chứng khoán châu Á chạm mức thấp nhất 1 tuần trong phiên 15/12.
Chỉ số chứng khoán tương lai EUROSTOXX 50 tại thị trường châu Á sụt 0,4%, và chỉ số FTSE kỳ hạn giảm 0,6%. Trong khi đó, chỉ số  chứng khoán tương lai của S&P 500 tại khu vực cộng 0,05%.
Giới đầu tư không hào hứng trước số liệu tích cực của sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc.
Theo báo cáo mới nhất, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 tăng đúng như dự báo, ghi nhận tháng phục hồi thứ 8 liên tiếp - dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giao dịch ảm đảm khi những tiến bộ xung quanh việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 không khiến nhà đầu tư bớt lo lắng.
Chính phủ Mỹ đã bắt đầu kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển từ ngày 14/12 sau khi các cơ quan quản lý liên bang phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Trong khi đó, Mỹ đã xác nhận hơn 300.000 trường hợp tử vong cùng với hơn 16 triệu ca nhiễm Covid-19.
Thị trưởng New York Bill De Blasio hôm 14/12 cảnh báo rằng thành phố có thể sớm bị phong tỏa hoàn toàn khi đang phải chứng kiến “mức độ lây nhiễm chưa từng thấy”.
Nhiều khu vực khác của Mỹ cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới tuyên bố áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế nước này cho biết chính phủ sẽ phải tái áp đặt biện pháp hạn chế cao nhất tại thủ đô London vì Covid-19. Đức, nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa chặt chẽ hơn từ ngày 16/12.
Allianz Global Investors lưu ý khách hàng trong một báo cáo: “Giới đầu tư cổ phiếu đang lạc quan về việc phân phối rộng rãi vaccine ngừa Covid-19 trong đầu năm 2021, song triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn chưa rõ ràng”.
Hầu hết các thị trường châu Á đều lao dốc trong phiên ngày 15/12. Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (không tính thị trường Nhật Bản) mất 0,6%, còn 637,8 điểm - mức thấp nhất trong hơn một tuần sau khi lập mức tăng kỷ lục trong những tuần gần đây.
Chỉ số chứng khoán Trung Quốc giảm 0,3%, còn chỉ số cổ phiếu tại sàn Hồng Kông mất 0,9%.
Thị trường cổ phiếu Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt hạ 0,4% và 0,5% khi giới đầu tư gia tăng tâm lý bất an vì tình trạng tái bùng phát làn dịch Covid-19 thứ hai.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng sụt 0,4% do cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ lao dốc mạnh.
Thông tin khả quan về vaccine ngừa Covid-19 đã giúp thị trường chứng khoán châu Á phục hồi mạnh trong những tháng gần đây, và hiện đã leo dốc khoảng 16%.
Thị trường Phố Wall diễn biến trái chiều
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng sụt giảm khi đóng cửa phiên ngày 14/12 trong đó Dow Jones mất hơn 150 điểm.
 Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 14/12.
Chứng khoán Mỹ ngày 14/12 diễn biến trái chiều khi nhà đầu tư lo ngại chính phủ sẽ phải áp đặt thêm các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 trước khi vaccine được triển khai trên diện rộng.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 184,82 điểm, tương đương 0,6%, và đóng cửa ở 29.861,55 điểm. Có lúc trong phiên, chỉ số gồm 30 cổ phiếu này đã tăng hơn 200 điểm và thiết lập đỉnh mới.
Chỉ số S&P 500 sụt 0,4% còn 3.647,49 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite diễn biến ngược chiều khi tăng 0,5% lên 12.440,04 điểm.
Ông Bill De Blasio - Thị trưởng New York ngày 14/12 đã cảnh báo rằng thành phố này có thể sẽ sớm phải trải qua tình trạng "đóng cửa hoàn toàn". Sau phát biểu này của thị trưởng De Blasio, các chỉ số S&P 500 và Dow Jones quay đầu giảm điểm.
Cổ phiếu hàng không United Airlines giảm 3,4%, Delta và Southwest Airlines giảm tương ứng 2,5% và 1,4%. Ngược lại, cổ phiếu của đại gia thương mại điện tử Amazon cộng 1,3% khi giới đầu tư kỳ vọng xu hướng mua sắm qua mạng sẽ tăng lên trong thời gian thực hiện biện pháp giãn cách xã hội.
Chính phủ Mỹ đang bắt đầu vận chuyển vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech tới 600 điểm phân phối trên khắp cả nước.
Trong tuần này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp thêm một loại vaccine do công ty Moderna phát triển.
Ông Mark Haefele - Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management nhận định: "Chúng tôi kỳ vọng các loại vaccine Covid-19 hiệu quả sẽ được phân phối rộng rãi trong năm 2021 và hỗ trợ các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường hơn. Chứng khoán thế giới đã tăng mạnh từ đầu tháng 11 đến nay, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn còn nhiều cơ hội tiếp tục khởi sắc trong dài hạn”.
Bên cạnh đó, thị trường đang kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ bằng cách mở rộng chương trình mua trái phiếu.
Còn tại Washington, các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã gần đạt được thỏa thuận về gói chi tiêu lớn nhằm ngăn chặn chính phủ đóng cửa bởi đảng Cộng hòa và Dân chủ đều khẳng định muốn thông qua gói viện trợ mới để cứu nền kinh tế khởi đại dịch./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần