VietNam Access Day năm nay thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài ra sao, thưa ông?
Sự kiện đã thu hút khá đông đảo nhà đầu tư nước ngoài, với số lượng trên 220 nhà đầu tư trong và ngoài nước, chưa kể các doanh nghiệp.
Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến Việt Nam. Lý do là, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, lạm phát thấp và đồng tiền của Việt Nam vẫn ổn định so với các nước trong khu vực. Riêng chứng khoán Việt Nam hiện được đánh giá là giá khá rẻ, chỉ số P/E vẫn thấp hơn so với giá trị sổ sách của các doanh nghiệp, nên theo tôi, không lý do gì để các nhà đầu tư không quan tâm.
Lĩnh vực, ngành nghề nào của Việt Nam được các nhà đầu tư quan tâm nhất?
Các lĩnh vực của Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lúc này vẫn là: bán lẻ, hàng tiêu dùng, ngân hàng, bất động sản. Đây chính là 4 lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất trong lúc này, vì họ cho rằng, tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn.
Theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài có kỳ vọng nhiều vào việc nới room ở các doanh nghiệp Việt Nam?
Không phải đến thời điểm này, mà từ lâu các nhà đầu tư nước ngoài đã rất kỳ vọng vào việc nới room. Tuy nhiên, theo tôi, việc các nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa hẳn là do chỉ kỳ vọng vào việc nới room, mà còn nhiều yếu tố khác. Nhưng tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng nên xem xét để nới thêm room.
Với lĩnh vực ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài có e ngại đến nợ xấu không, thưa ông?
Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố lớn nhất khiến nhà đầu tư nước ngoài chùn bước khi có ý định rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng Việt Nam. Mặt khác, hiện nợ xấu của Việt Nam cũng đang được phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh xử lý.
Theo ông, khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lúc này, nhà đầu tư nên có lựa chọn khôn ngoan nào?
Trong các ngân hàng của Việt Nam hiện nay, có 2 ngân hàng đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngoài ra, một cái tên khác cũng được nhà đầu tư để ý là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Tuy nhiên, 2 mã cổ phiếu ngân hàng được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn vẫn là VCB của Vietcombank và BID của BIDV. Giá cổ phiếu của những ngân hàng trên hiện đã tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn so với giá trị thực của các nhà băng này.
|