Tuy nhiên, câu chuyện về chia cổ tức năm 2012 vẫn là chủ đề nóng của mùa ĐHCĐ năm nay khi mà nhiều DN không có khả năng chia cổ tức hoặc để lại lợi nhuận khiến nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép.
Các nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường tại Công ty chứng khoán ACB.Ảnh: Trần Việt
Làm đồng nào, xào đồng ấy
Những DN thua lỗ, chiếm khoảng hơn 200 DN trên 2 sàn chắc chắn không thể chia cổ tức. Từ những cái tên DN ít người biết đến như: Coma18, thép Việt Hàn, các DN họ Vigalcera… đến những tên tuổi một thời như Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty CP đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS), Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí (PVX)… Bên cạnh đó, một số DN dù làm ăn có lãi nhưng do số lãi quá nhỏ nên xin "khất" cổ tức như: Tổng Công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VCG), Công ty CP ống thép Việt Đức (VGS)…
Tuy nhiên, cổ đông của không ít DN, nhất là các ngân hàng lại rất ấm ức vì ngân hàng báo lãi, lãi khủng nhưng lại không chia cổ tức, với lý do giữ lại phần lợi nhuận để làm vốn phát triển. Đơn cử, Vietinbank thông báo lãi tới gần 8.000 tỷ đồng nhưng cổ đông không được hưởng một đồng cổ tức nào, giá CP do vậy cũng chỉ lẹt đẹt. Sacombank đã liên tục nhiều năm nay lặp đi lặp lại điệp khúc trả cổ tức bằng cổ phiếu phát hành thêm.
Kết cục là dù cổ đông được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng giá CP giảm cũng như bị điều chỉnh giá kỹ thuật dẫn tới thiệt đủ đường. Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) trong 2 năm trở lại đây dù có lãi cũng không trả cổ tức. Lợi nhuận để lại, DN phát triển đâu chưa thấy chỉ thấy kết quả kinh doanh năm sau giảm so với năm trước. Công ty CP đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng là DN liên tục phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, vốn của DN phình to chóng mặt trong khi lợi nhuận lại sụt giảm, giá CP cũng giảm không phanh.
Giữ chân nhà đầu tư bằng cổ tức tiền mặt
Dù VN-Index không tăng điểm nhưng cổ phiếu của những DN có truyền thống trả cổ tức bằng tiền mặt cao và kết quả kinh doanh khả quan tốt vẫn tăng giá khá đều đặn. Đơn cử, Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM), vài năm nay duy trì cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 30%/năm, 2012 là 35%, ngoài ra còn phát hành cổ phiếu thưởng… lợi nhuận mỗi năm tăng trưởng ít nhất 25% đã giúp giá cổ phiếu duy trì ở mức cao, đầu năm nay đã có thời điểm đạt gần 130.000 đồng/cổ phiếu. Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP), trả cổ tức năm 2012 mức 70% bằng tiền mặt đã đẩy giá cổ phiếu đạt trên 70.000 đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm ngoái. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của BMP luôn duy trì mức 8.000 - 10.000 đồng/năm. Cổ phiếu của các DN họ khoáng sản như Bình Định, Hà Giang… luôn giữ giá ở mức rất cao, tạo niềm tin để các cổ đông đầu tư dài hạn.
Theo phân tích của các chuyên gia Công ty chứng khoán FPTS, hiện thị trường phân hóa rất mạnh. Nhà đầu tư đã khôn ngoan hơn và họ chọn lựa rất kỹ cổ phiếu khi đầu tư, trong đó yếu tố DN có lịch sử cơ bản tốt được chú trọng. Chính vì thế ở nhiều ĐHCĐ năm nay đã diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt khi DN đề nghị để lại lợi nhuận với tỷ lệ lớn hoặc không chia. Khi mâu thuẫn không được giải quyết và quyền lợi không được đáp ứng, cổ đông sẽ bán cổ phiếu, chia tay DN và hậu quả tất yếu là giá CP bị sụt giảm. Hài hòa mối quan hệ giữa quyền lợi của DN - đầu tư này sẽ giúp DN phát triển và tạo sự gắn kết lâu dài với cổ đông.
Câu chuyện khất cổ tức không mới nhưng năm nào cũng thời sự với giới đầu tư. Có lẽ bởi vậy mà hơn ai hết nhà đầu tư cần thận trọng chọn mặt DN để gửi tiền thay vì mua CP theo phong trào như trước đây.