Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà khoa học trẻ thuyết phục được Thủ tướng đầu tư: Mọi việc như trong mơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lần đầu tiên gặp mặt, TS Nguyễn Bá Hải đã thuyết phục được Thủ tướng đầu tư kinh phí nhằm thực hiện dự án sản xuất kính dành cho người mù.

Sau cuộc trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ với người đứng đầu Chính phủ, dự án "Mắt thần" của TS Nguyễn Bá Hải (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) đã có được kinh phí đầu tư.

"Mắt thần" là sản phẩm kính mắt điện tử giúp người khiếm thị trong khoảng cách nhất định sẽ nhận diện các vật cản, sau đó, thiết bị sẽ báo rung cho người sử dụng biết để chọn hướng đi an toàn. Mỗi một chiếc kính như vậy sẽ tốn khoảng 2 triệu đồng để sản xuất.

 
TS Nguyễn Bá Hải
TS Nguyễn Bá Hải
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ KH-CN chủ trì phối hợp với TS Nguyễn Bá Hải để lập đề án cụ thể cung cấp thiết bị này cho khoảng 300.000 người mù trong nước. Người đứng đầu Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho đề án.

Ngay sau khi nhận được quyết định của Thủ tướng, phóng viên Kinh tế và Đô thị đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS Nguyễn Bá Hải:

- Dự án "Mắt thần" của anh đã được chính Thủ tướng ra quyết định đầu tư. Anh nghĩ sao về điều này ?

TS Nguyễn Bá Hải: Mọi việc như trong mơ, tất cả đến quá bất ngờ, nằm ngoài dự kiến của tôi bởi nó đã đến quá nhanh. Quyết định cho thấy Thủ tướng là người rất quan tâm đến ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm KH&CN, đồng thời xóa bỏ định kiến trước đây của tôi khi cho rằng để đem một sản phẩm khoa học vào ứng dụng thực tế sẽ cần rất nhiều thời gian, giấy tờ cũng như các quy trình rắc rối kèm theo.

Sau khi nhận được sự chỉ đạo từ Thủ tướng, tôi cảm thấy những khó khăn, vất vả mà bản thân đã phải trải qua trong hơn 10 năm nghiên cứu khoa học đang được trả công xứng đáng. Với những sự giúp đỡ cần thiết từ Nhà nước như thế này, tôi chắc chắn rằng sản phẩm "Mắt thần" sẽ không chỉ được sử dụng bởi người Việt mà còn có thể tìm đường sang các quốc gia có người khiếm thị khác.

Đây cũng là tín hiệu vui cho các nhóm nghiên cứu, nhà trường và đặc biệt là những người làm khoa học trẻ Việt Nam. Điều này có nghĩa là dù có phải cố gắng 5 năm, 10 năm để nghiên cứu thành công một đề tài, nhưng nếu nó thực sự có ý nghĩa cho xã hội thì chắc chắn Đảng, Nhà nước cũng như Bộ KH&CN sẽ có những hỗ trợ nhất định để cổ vũ và phát triển.

 
Sản phẩm kính "Mắt thần"
Sản phẩm kính "Mắt thần"
- Anh có tự tin hoàn thành tốt dự án của mình sau khi nhận được sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng?

TS Nguyễn Bá Hải: Từ trước tới giờ tôi chưa từng tiếp cận một đề tài nghiên cứu hoặc dự án nào có tính chất tương tự như thế này, bởi đây sẽ là dự án được Bộ KH&CN chủ trì. Nhưng bản thân đang làm khoa học rồi, bây giờ nếu tham gia vào dự án cấp cao hơn sẽ như "thêm dầu vào lửa" thôi và bùng cháy mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Cùng với dự án "Mắt thần", tôi cùng có mong ước được thành lập một viện nghiên cứu tư nhân lấy hiệu quả làm đầu để mọi đầu tư nghiên cứu đều sinh lợi cho xã hội cả về vật chất, thương hiệu, chất xám cũng như thế hiện được trí tuệ, vị thế của người Việt Nam.

- Bản thân anh từng chia sẻ trong cuộc gặp mặt hôm nay rằng anh là người rất e ngại các chính sách dành cho KH&CN. Vậy hiện tại, anh có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

TS Nguyễn Bá Hải: Quan điểm cũ của tôi thực sự đã thay đổi rất lớn, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác trước. Trước đây tôi không dám nộp hồ sơ về đề tài nghiên cứu, vì có một lần nộp lên nhưng bị đánh trượt nhưng lại thấy một đề tài tương tự như vậy được thông qua, nên lúc đó có hơi bi quan. Lần khác nộp thì đợi lâu quá, 6 tháng đến 1 năm sau mới được xếp lịch để làm, lúc đó thì đã mất hết nhiệt huyết, cảm hứng để thực hiện mất rồi.

Tuy nhiên, sau thời điểm này, cũng là sau đúng 5 năm tôi từ nước ngoài về Việt Nam để làm khoa học, lần đầu tiên quan điểm của tôi thay đổi 180 độ.

Trong những năm qua, với nhiều lần đứng trên bờ vực phá sản vì nghiên cứu khoa học nhưng tôi vẫn luôn tự động viên mình phải cố gắng hơn, phải nỗ hơn vì công việc gì cũng có khó khăn, thử thách, nhưng một khi thành công, sản phẩm của mình có ý nghĩa thì mình tin một ngày nào đó sẽ có tác động hỗ trợ từ nhiều phía. Tiêu biểu như sản phẩm "Mắt thần" đã có hơn 200 người dân và doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí từ giai đoạn ban đầu để có thể có được thành công ban đầu như ngày hôm nay.

- Sau khi thu hút được sự chú ý của Thủ tướng, anh có cho rằng các nhà khoa học trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với các quỹ hỗ trợ ứng dụng KH&CN?

TS Nguyễn Bá Hải: Điều này chỉ có thể trả lời sau khi tôi làm việc với Bộ KH&CN về dự án "Mắt thần", lúc đó mới có thể kết luận là dễ dàng hay khó khăn. Nhưng tôi tin tưởng quá trình tiếp cận sẽ không khó khăn nếu biết Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân là người rất tâm huyết muốn đưa KH&CN vào ứng dụng thực tế rộng rãi trong cuộc sống cũng như quá trình làm việc trước đây với Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh khi hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc đưa sản phẩm "Mắt thần" đến tay người dùng.

Vâng ! Cám ơn anh.

 
TS Nguyễn Bá Hải đang là giảng viên, Trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm Robot sinh học và Giám đốc Trung tâm Dạy học số của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Năm 2014, TS Nguyễn Bá Hải được vinh danh là một trong “10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.". Hiện TS Nguyễn Bá Hải đã có 5 bằng sáng chế quốc tế, 1 bằng sáng chế Việt Nam, 6 công trình công bố quốc tế và 10 đề tài nghiên cứu trong nước và quốc tế.