Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà mạng “bắt tay” chặn sim rác

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ 1/6, các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone sẽ dừng bán sim mới tại các đại lý ủy quyền và dừng quyền đấu nối số thuê bao của các đơn vị này. Đây được xem là một động thái mạnh tay nhằm chặn nguồn cung cấp sim rác ra thị trường.

Triệt tiêu vấn nạn sim rác
Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có hơn 125 triệu thuê bao di động, với số dân 96 triệu người, trung bình mỗi người dân đang sở hữu khoảng 1,3 thuê bao di động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường viễn thông trong nước đã đến thời điểm bão hòa cũng như đang tồn tại một số lượng không nhỏ sim rác. Tính đến hết 2019, thống kê có khoảng 6,8 triệu sim rác.
Với việc xác định hướng đi cần thiết là tập trung vào nâng cao chất lượng cũng như mở ra các dịch vụ mới thay vì phát triển số lượng thuê bao, các nhà mạng, Bộ TT&TT đã liên tục đưa ra những biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh, triệt tiêu lượng sim rác đang được lưu hành trên thị trường.
 Khách hàng mua sim điện thoại trên phố Kim Mã. Ảnh: Hải Linh
Tiêu biểu vào cuối năm 2019, Bộ TT&TT đã tổ chức thanh tra diện rộng trên cả nước đối với việc đăng ký, quản lý thông tin sim thuê bao. Hiệu quả của đợt thanh tra, kiểm tra này đã được thể hiện rõ khi chỉ trong quãng thời gian từ tháng 12/2019 - 2/2020, tổng số thuê bao di động đã giảm khoảng 600.000 và giảm khoảng 6 triệu thuê bao so với cùng kỳ 2019.
Cũng qua đợt thanh tra trên, Bộ TT&TT đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tình trạng sim rác vẫn tràn lan trên thị trường. Theo đó, các đại lý ủy quyền của DN viễn thông được xác định là nguồn cung cấp chính sim rác khi người dùng có thể dễ dàng mua sim đã kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký hoặc khai báo thông tin thuê bao theo đúng quy định.
Để triệt tiêu đầu mối sim rác từ các đại lý ủy quyền, từ 1/6/2020, các nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone và MobiFone dừng cung cấp sim mới cho các đại lý ủy quyền, thay vào đó, người dùng muốn mua sim sẽ phải đến các cửa hàng chính hãng để đăng ký thông tin thuê bao. Nhận định về động thái trên, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, đây là hành động thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng sim rác đến từ DN viễn thông.
Cùng với đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cùng nhà mạng sẽ tiếp tục triển khai những biện pháp tương tự nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường viễn thông, độ chính xác của thông tin người dùng.
Việc ngừng bán sim qua đại lý cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dùng. Theo đó, các nhà mạng đã có kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng cũng như triển khai các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dùng có nhu cầu muốn mua sim và đăng ký thông tin thuê bao.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đang xem xét cho phép triển khai bán sim online. Khi đó, người dùng chỉ cần đăng ký thông tin trực tuyến mà không phải đến tận điểm giao dịch của nhà mạng. Sau khi xác minh thông tin được đăng ký là chính xác, bộ sim hòa mạng sẽ được nhà mạng gửi trực tiếp tới tận tay người dùng, tiết kiệm thời gian và công sức hơn so với hiện tại.
Phải đăng ký sim chính chủ
Một trong mục tiêu quan trọng nhất được nhà mạng thể hiện qua hành động ngừng cung cấp sim mới cho các đại lý ủy quyền là nhằm bảo đảm tính chính xác, đầy đủ trong việc đăng ký thông tin chính chủ đối với người sử dụng thuê bao di động. Đây cũng là căn cứ pháp lý rất cần thiết để người dùng có thể tự bảo vệ mình nếu gặp rắc rối liên quan đến pháp lý, đặc biệt là khi xảy ra tranh chấp sim đang sử dụng.
Trên thực tế, việc tranh chấp quyền sở hữu sim di động không phải là hiếm gặp và không thiếu trường hợp chủ sở hữu đã phải chịu mất sim số đẹp do không đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân. Mới đây nhất là trường hợp chị H.T.T (TP Hồ Chí Minh), mặc dù đã sử dụng sim số đẹp 09xxxx8888 được hơn 8 năm nhưng đột nhiên bị nhà mạng thu hồi và sang tên cho người khác. Theo lý giải của nhà mạng, chị T. đã không cập nhật ảnh chân dung theo đúng quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ tháng 4/2017.
Theo chuyên gia viễn thông, ngay từ tháng 8/2019 đến nay, các nhà mạng đã liên tục tiến hành các đợt rà soát tình trạng thông tin chính chủ của các thuê bao di động và số lượng sim bị khóa trong quãng thời gian này không phải là ít. Các sim bị thu hồi chủ yếu là không có, khai sai hoặc thiếu thông tin chính chủ. Từ đó cũng dẫn tới tình trạng tranh chấp, đặc biệt là đối với những sim số đẹp có giá trị cao từ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng.
Người dùng nên chủ động liên hệ với nhà mạng hoặc đơn giản hơn là nhắn tin theo cú pháp "TTTB gửi đến số 1414" để kiểm tra xem sim của mình đã được đăng ký đầy đủ thông tin chưa, có thiếu sót gì cần bổ sung không. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân tránh rắc rối quanh chiếc sim di động có thể xảy trong tương lai.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển sim mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.