50% rác thải được xử lý theo công nghệ hiện đại
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trước ngày 1/1/2017, Sở TN&MT có trách nhiệm thực hiện kiểm tra và đôn đốc công tác VSMT tại 17 huyện, Sở Xây dựng phụ trách 12 quận và 1 thị xã. Như vậy, từ trước năm 2017, 30 đơn vị hành chính trên địa bàn TP có hai Sở quản lý về công tác VSMT. Tuy nhiên, hiện nay, theo phân cấp từng quận huyện có trách nhiệm đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển rác thải đảm bảo VSMT tại địa bàn quận huyện mình. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về bãi đổ, khu tập kết rác.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục phát biểu giải trình |
|
Lý giải thêm về trách nhiệm vận hành hai trạm tập trung của TP cộng thêm hai khu tập trung của TP tại Sóc Sơn, Xuân Sơn, ông Lê Văn Dục cho biết, Sở đã có cân nhắc rất kỹ để tham mưu trình UBND TP phê duyệt. Thứ nhất, đối với khu vực Sóc Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, một khu vực 150ha hiện nay đã đầy 85ha, còn 73,7ha, Sở Xây dựng, TN&MT, Tài chính, KH&ĐT trước khi phân định rõ các khu vực phải tôn trọng các khu vực vận chuyển từ năm 1999 tới nay để tránh các biến đổi. Các Sở đã thống nhất khu vực này sẽ tiếp nhận rác từ 12 quận, 4 huyện phía Bắc sông Hồng, 1 huyện phía Nam là Thanh Trì, đây là những địa bàn phù hợp khoảng cách từ 10 - 50km và phù hợp với hiện trạng bãi rác từ khi ra đời đến nay. Tuy nhiên với việc vận chuyển rác 4.200 tấn/ngày hiện nay thì công suất tối đa khu vực này cũng chỉ chịu được đến năm 2021 – 2022.
Đối với khu Xuân Sơn hiện tiếp nhận rác của 11 đơn vị hành chính chuyển về, với công suất 1.200 tấn/ngày, trong đó hai trạm đốt rác đang tiếp nhận khoảng 800 - 900 tấn/ngày và chôn rác hợp vệ sinh 300 tấn/ngày. Như vậy, tại hai khu vực xử lý tập trung của TP đã đảm bảo từ 5. 400 – 5.500 tấn/ngày.
Về việc khởi công xây dựng các nhà máy xử lý rác thải nhưng chậm đưa vào sử dụng, ông Lê Văn Dục cho biết, từ năm 2016 tới nay, Thường trực Thành ủy và UBND TP đã liên tục chỉ đạo về vấn đề này. Sở đã cân nhắc kỹ về việc áp dụng công nghệ cho các nhà máy. Khu vực Sóc Sơn đã cho áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại của Nhật Bản và châu Âu. Trong tháng 10/2017 sẽ khởi công một nhà máy trên diện tích có sẵn để đến năm 2019 tối thiểu đưa được 2.000 tấn rác/ngày vào xử lý, nếu đảm nhanh hơn nữa sẽ xử lý được 4.000 tấn rác/ngày. Như vậy, hy vọng đảm bảo được chỉ tiêu 50% rác thải được xử lý theo công nghệ hiện đại sớm hoàn thành.
Về cơ giới hóa việc thu gom vận chuyển rác thải, TP Hà Nội đã xác định phải là xu hướng tất yếu. Từ 1/3, công tác cơ giới hóa việc thu gom được áp dụng tại 22 đơn vị trúng thầu việc thu gom. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dục, do cơ sở hạ tầng không đủ, các đơn vị VSMT chưa đáp ứng kịp nên hiệu quả thu gom, vận chuyển, quét hút thấp. Do đó, hồ sơ đấu thầu của các đơn vị phải do UBND 30 quận, huyện phụ trách thẩm định không thể phó mặc các phòng TN&MT, trung tâm đấu thầu dẫn đến lựa chọn các đơn vị VSMT không đảm bảo.
Về việc thu gom phế thải xây dựng, hiện nay, toàn TP có 4 bãi chứa phế thải xây dựng, có hai bãi tại Đông Anh đã đầy, bãi Vĩnh Quỳnh tại Thanh Trì cũng chỉ đến đầu năm 2018 là đóng cửa. Về việc này, TP đã có chỉ đạo tìm vị trí mới, việc này các sở ngành sẽ tham mưu TP. Hiện nay, Sở đã tìm được 4 vị trí tại Hoàng Mai, Thanh Trì, Đông Anh, Vĩnh Quỳnh. Đặc biệt, đối với loại rác thải thải này TP sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến để nghiền tái sử dụng.
Sở nhận một phần trách nhiệm
Sau phần giải trình của Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai tái chất vất, đặt câu hỏi về việc triển khai quy hoạch ngành về thu gom xử lý rác thải và xây dựng các nhà máy theo quy hoạch 604 mà Thủ tướng đã phê duyệt từ năm 2014, trước hết là trách nhiệm tham mưu của Sở Xây dựng. Vậy, hiện các dự án chậm triển khai, loay hoay điều chỉnh công nghệ, các bãi rác thải theo quy hoạch hiện nay không có số liệu… Đề nghị Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm là đơn vị tham mưu cho TP, rõ các biện pháp và thời hạn hoàn thành để cử tri và đại biểu giám sát.
Ngoài ra, bà Mai cũng đề nghị, những dự án sắp triển khai công nghệ hiện đại phải được quan tâm hàng đầu, Sở KH - CN đã chủ động tham mưu cho TP về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ và lựa chọn công nghệ như thế nào có cho các dự án này? Không phải TP không thu hút được nhà đầu tư quan tâm vào lĩnh vực này có thể đơn cử dự án Nhà máy xử lý rác Đồng Ké đã có 23 nhà thầu quan tâm.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, theo quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt năm 2014, đến thời điểm này TP vẫn đang triển khai 5/17 dự án. Như vậy tiến độ xây dựng các Nhà máy áp dụng công nghệ cao vẫn còn chậm. Trách nhiệm này Sở Xây dựng xin nhận một phần trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm của Sở TN&MT, KH&ĐT trong việc kêu gọi đấu thầu.
Thời gian tới, ngoài trách nhiệm của mình, Sở Xây dựng đề nghị chính quyền các huyện hợp tốt với Sở Xây dựng, TN&MT để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án theo quy hoạch, thực hiện nốt 12 dự án . Đến ngày 10/10 sẽ khởi công nhà máy tại Đông Anh sẽ giúp xử lý một lượng lớn rác thải. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, sức ép về vấn đề rác thải sẽ giảm đi rất nhiều.
Việc rác đang bị ùn ứ tại huyện Chương Mỹ khi không đưa được vào bãi Xuân Sơn, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng đinh, việc thu gom rác tại Chương Mỹ là do Công ty Xuân Mai thực hiện từ nhiều năm nay, trách nhiệm ở đây là hoàn toàn do chính quyền huyện và đơn vị thu gom trên địa bàn huyện. Trong quy hoạch huyện phải tự chủ 5 - 7ha để làm bãi thu gom. Ngoài ra, việc tồn đọng rác tại quận Hai Bà Trưng và các quận khác hiện nay, ông Lê Văn Dục khẳng định chưa bao giờ thiếu địa điểm tập kết cho các địa phương này, việc tồn đọng là do đơn vị thu gom trên địa bàn chưa làm hết trách nhiệm. |