Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và xã hội của đất nước.

Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Theo đó, Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Luật Đất đai năm 2013 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. 

Luật cũng quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân.
Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Luật Đất đai đã bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một giấy chứng nhận, hoặc cấp chung một sổ đỏ và trao cho người đại diện. 

Trường hợp đất là tài sản chung của vợ chồng thì giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, nếu giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu.

Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Luật quy định cụ thể về những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như quy định tại Điều 54 của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Luật cũng quy định các chế tài mạnh để xử lý các trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng đó là do phép chậm tiến độ hơn so với quy định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ này mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.

Quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. 

Yêu cầu về bảo đảm sinh kế cho người có đất thu hồi đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn trong Luật sửa đổi thông qua quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở và một số khoản hỗ trợ khác.

Luật Đất đai năm 2013 cũng bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động; quy định đăng ký đất đai trên mạng điện tử. 

Việc quy định hình thức đăng ký điện tử nhằm góp phần tích cực vào tiến trình cải cách hành chính, khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký.

ĐỘC GIẢ CÓ THỂ XEM TOÀN VĂN LUẬT ĐẤT ĐAI 2013 TẠI ĐÂY